Trần Tú Quỳnh và 'gia tài' hơn 50 mẫu ấm đất pha trà

Qua 11 năm chế tác ấm pha trà, Trần Tú Quỳnh - cư dân của làng gốm cổ Bát Tràng - có trong tay 'gia tài' với hơn 50 mẫu ấm đất khác nhau mà ở đó, mỗi chiếc ấm hội tụ vẻ đẹp từ kiểu dáng, mỹ thuật, đến công năng được chăm chút hoàn hảo. Điều đáng nói, nguyên liệu tạo nên những chiếc ấm trà cầu kỳ, tinh tế ấy, đều từ Việt Nam.

Trong nghệ thuật chế tác gốm sứ, riêng với ấm pha trà, định thành một phân môn riêng, với vô vàn thợ thủ công, nghệ nhân, nghệ sư, các công ty gốm sứ… tham gia chế tác. Bởi thế, trước bạt ngàn các thể loại ấm trà tràn lan trên thị trường, từ hàng sản xuất trong nước đến các thể loại ấm tử sa nhập từ nước ngoài, việc dám chọn lối đi riêng, chỉ chuyên tâm chế tác ấm đất như Trần Tú Quỳnh, có vẻ là mạo hiểm.

Lại càng thấy mạo hiểm hơn khi nghe Quỳnh chia sẻ kỹ thuật chế tác ấm chỉ sử dụng nguyên liệu truyền thống bản địa là cao lanh và đất sét từ các vùng lân cận quanh Bát Tràng. Riêng với ấm đất, nguyên liệu là chi tiết quan trọng quyết định cả về chất lượng lẫn mỹ thuật tạo hình cho ấm, nên khi tuyển lựa cũng đòi hỏi những quy chuẩn khắt khe, trong khi phần đa nguyên liệu chế tác gốm ở thị trường chỉ dừng ở mức thô.

Lý giải cho việc tuyển chọn nguyên liệu bản địa, Quỳnh bảo: “Nguyên liệu của mình còn thô sơ, chính cái thô sơ ấy nên tôi muốn cải tiến và xử lý làm cho nó trở nên tốt hơn. Sự không hoàn hảo của nguyên liệu Việt khiến tôi say mê và dành thời gian cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, học cách kiểm soát, làm chủ nó”.

Chỉ sử dụng hai nguyên liệu là cao lanh và đất sét, nhưng tùy việc phối trộn tỉ lệ, lại cho ra dải màu sắc từ sáng trắng của cao lanh đến các gam màu trầm của đất sét. Màu sắc ấy còn được điều chỉnh bằng môi trường và nhiệt độ nung, thế nên nhìn trong những mẫu ấm đất được Trần Tú Quỳnh chế tác, dù đa dạng kiểu dáng, sắc màu, nhưng điểm chung là vẻ đẹp của tối giản, thân quen, là màu của đất, là dáng của những loại quả từ tự nhiên.

Xuất thân là người làm nghề ở làng gốm Bát Tràng, tốt nghiệp mỹ thuật chuyên ngành điêu khắc, những lợi thế ấy được Trần Tú Quỳnh tận dụng, thể hiện qua dáng hình từng chiếc ấm. Quỳnh bảo: “Điêu khắc thể hiện các mảng, khối, tượng… thường có kích cỡ lớn, còn làm ấm lại mang nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao, dù cũng là hình khối, nên giữa hai lĩnh vực ấm đất và điêu khắc có nhiều khác biệt, nhưng tạo hình chuyên ngành điêu khắc hỗ trợ tôi rất nhiều, giúp tôi nắm vững về khối, sức căng của khối và cách bố cục chiếc ấm với các chi tiết như quai, vòi, nắp, núm… liền mạch với thân sao cho hợp lý”.

Bền bỉ với hơn 10 năm theo nghề ấm, đều bằng phương pháp tự nghiên cứu, tự học, với từng bước phát triển, từ việc chinh phục về tạo hình các dáng thế của ấm đất, sáng tạo nhiều mẫu ấm khác nhau, cho đến việc cải tiến, xử lý nguyên liệu Việt, Quỳnh chia sẻ: “Tôi muốn định hình một dòng sản phẩm ấm đất Việt, chất lượng tối ưu về nguyên liệu và tạo hình, ở cả góc độ sử dụng lẫn yếu tố thẩm mỹ. Để tạo nên một chiếc ấm đẹp, kiểu dáng phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của người thưởng trà, và trong chế tác tôi đưa thêm vào cảm xúc, chi tiết trang trí để mọi người dễ dàng cảm nhận vẻ đẹp của chất liệu.

Một cái ấm đẹp, tiện dụng, hài hòa, hợp mắt thì mọi người sẽ muốn sử dụng nó hơn”.

Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-tu-quynh-va-gia-tai-hon-50-mau-am-dat-pha-tra-38242.html