Trang bị kiến thức, kỹ năng giúp học sinh an toàn trên môi trường mạng
Trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng cần sự vào cuộc mạnh mẽ nhiều bên liên quan, không chỉ nhà trường.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên
Chia sẻ giải pháp giúp nhà trường triển khai việc trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, NGƯT Tô Ngọc Sơn, giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng, trước hết nhà trường cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.
Cụ thể, giới thiệu các trang mạng, các kênh mạng xã hội thường sử dụng và cần thiết sử dụng; đồng thời đưa ra cảnh báo đối với các trang mạng độc hại nên tránh. Cách sử dụng, các tính năng trên mỗi ứng dụng cần phải thông thạo.
Thầy cô cũng cần nắm những lỗi cần tránh, những việc làm dễ lọt lộ thông tin cá nhân không cần thiết, nguy hại khi sử dụng; lưu ý cách thức giao tiếp trên mạng xã hội, văn hóa ứng xử trên mạng; những biểu hiện xấu, dấu hiệu không tốt, phản cảm cần tránh, cần phòng ngừa khi đã tiếp xúc; những trường hợp cần phải thẳng thắn lên tiếng hoặc báo với các cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ.
Sau khi giáo viên đã được trang bị đầy đủ các nội dung trên, nhà trường và giáo viên cùng phối hợp triển khai đến học sinh.
Về cách thức, nhà trường cần có những buổi nói chuyện, trao đổi với cha mẹ học sinh về việc sử dụng điện thoại, cách thức sử dụng những trang mạng xã hội. Tổ chức thi kể chuyện, tiểu phẩm, chia sẻ những câu chuyện liên quan các tình huống (cả tốt và xấu) thường xảy ra khi sử dụng mạng xã hội lồng ghép vào những buổi sinh hoạt dưới cờ.
Giáo viên cần tích hợp nội dung kiến thức mạng xã hội như được học ở trên vào từng bài học có liên quan; giúp học sinh hiểu biết, nhận dạng những hành vi, lời nói, thái độ, đẹp, không đẹp; tốt, không tốt khi giao tiếp ứng xử, đăng tải lên các trang mạng xã hội và chỉ rõ để học sinh thấy được tác hại, hậu quả của những việc làm, hành vi thiếu kiểm soát, không thận trọng.
Cần chế tài nghiêm minh
Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Đào Thị Hường,bên cạnh nhiều tiện ích, internet, mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường. Nếu học sinh không có đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được chính mình, dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường tội phạm, bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng tham gia vào hệ thống mạng Internet có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.
Để nhà trường có thể triển khai tốt việc trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, bà Đào Thị Hường cho rằng, trước hết cơ quan quản lý các cấp, các ngành cần quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ.
Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Trong đó, lấy trẻ em làm trung tâm trong xây dựng chính sách và lấy ý kiến của trẻ em đối với các cơ chế, chính sách tác động đến trẻ em trên môi trường mạng.
Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; từ đó, khi xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gây hậu quả nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý, có chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Cũng cần quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em trong việc quản lý, giám sát trẻ em tiếp cận và tương tác trên môi trường mạng.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, ứng dụng và nội dung trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Bà Đào Thị Hường cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác truyền thông; tăng cường quản lý, ngăn chặn các tin xấu độc trên không gian mạng. Đồng thời, gia tăng hiển thị trên các trang mạng xã hội, kênh truyền hình trung ương và địa phương về nguy cơ thủ đoạn lừa đảo, xâm hại trẻ em, số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và địa chỉ liên hệ của các trung tâm, tổ chức tư vấn, cứu trợ khẩn cấp.
Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; trang bị “bộ kỹ năng số” cơ bản cho trẻ em theo độ tuổi.
Triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho cán bộ, giáo viên làm công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.