Trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ

Cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động sự vào cuộc tích cực của gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em... là những hiệu quả thiết thực từ các chương trình tập huấn phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với ngành GDĐT tổ chức.

Học sinh Trường THCS Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên được tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Ảnh: Trà Hương

Học sinh Trường THCS Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên được tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Ảnh: Trà Hương

Tại buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh năm 2022 do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GDĐT, Công ty cổ phần (CTCP) Viện khoa học an toàn Việt Nam và Trường THCS Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên tổ chức mới đây, hơn 900 học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh của trường được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trong 90 phút tập huấn, giảng viên CTCP Viện khoa học an toàn Việt Nam cung cấp đến học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên những thông tin về thực trạng, hình thức, nguyên nhân, hậu quả của việc bị bạo lực, xâm hại đối với lứa tuổi học sinh; các tình huống giả định học sinh bị bạo lực, xâm hại; hướng dẫn học sinh thực hành kỹ năng tự vệ khi bản thân có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại…

Cùng với Trường THCS Hội Hợp, chương trình tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh được triển khai tại 14 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Thị Phương Hoa, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, tình hình trở lại bình thường, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GDĐT xây dựng kế hoạch và tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn phòng, chống xâm hại trẻ em trong trường học.

Đây là chuỗi hoạt động bổ ích, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc bảo vệ và tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo điều kiện để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn".

Được chọn là địa điểm tập huấn, các nhà trường đều chủ động phối hợp tích cực để nâng cao hiệu quả của chương trình. Tại Trường THCS Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, ngay khi có kế hoạch tập huấn phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh của các cấp, ngành, nhà trường đã thông báo và yêu cầu 100% học sinh, cán bộ, giáo viên tham dự; đồng thời, tuyên truyền, vận động phụ huynh hưởng ứng, tham gia đầy đủ.

Công tác chuẩn bị trang thiết bị cần thiết cho buổi tập huấn cũng được nhà trường phối hợp với các đơn vị thực hiện chu đáo. Trong buổi tập huấn, học sinh rất hứng thú tham gia các hoạt động tập huấn, thực hành; phụ huynh học sinh phấn khởi và ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường, của các ngành trong việc quan tâm, chăm sóc, trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân để tránh bị xâm hại…

Em Nguyễn Thị Quỳnh Mai, học sinh Trường THCS thị trấn Lập Thạch chia sẻ: “Qua chương trình tập huấn, em được tìm hiểu, được giải đáp thắc mắc để có thể nhận biết được những hành vi mang tính chất bạo lực, xâm hại; được thực hành một số kỹ năng phòng, tránh hoặc kêu gọi sự trợ giúp từ người lớn khi bị bạo lực, xâm hại… Đây là chương trình rất hữu ích và cần thiết đối với chúng em”.

Khi tham dự tập huấn phòng, chống xâm hại trẻ em tại trường học của con, các bậc cha mẹ đã được nâng cao nhận thức để có những giải pháp hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ con. Chị Đỗ Thị Hải, có con gái đang học tại Trường THCS Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc cho biết: “Tham dự tập huấn phòng, chống bạo lực, xâm hại tại trường học của con, tôi thấy rõ hơn những mối nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho con và nhận thức được việc trang bị cho con các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại là rất cần thiết.

Đây cũng là cơ hội để tôi có sự liên hệ chặt chẽ với nhà trường trong việc gần gũi, nắm bắt, thấu hiểu những thay đổi trong tâm, sinh lý của con để kịp thời phát hiện và can thiệp, ngăn chặn nạn bạo lực, xâm hại, bảo vệ con mình. Bản thân tôi cũng thấy trong cuộc sống mình cần phải điều tiết cảm xúc, lắng nghe con nhiều hơn để con không rơi vào khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì”.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/78640/trang-bi-kien-thuc-ky-nang-tu-bao-ve-ban-than-cho-tre.html