Trắng đêm, giăng màn chờ làm thủ tục đất và chuyện 5 phút thay 5 lần đi lại

Xếp hàng bằng dép, bằng nón bảo hiểm... Từ 3-4h sáng, thậm chí trắng đêm. Đây không phải là những hình ảnh thời bao cấp. Đây là cảnh người dân xếp hàng chờ làm thủ tục đất đai hôm nay, ở khắp nơi.

Đây không phải là một ký ức thời bao cấp, đây là cảnh người dân mang mũ bảo hiểm xếp hàng chờ làm thủ tục đất. Ảnh: Huỳnh Hiền

Đây không phải là một ký ức thời bao cấp, đây là cảnh người dân mang mũ bảo hiểm xếp hàng chờ làm thủ tục đất. Ảnh: Huỳnh Hiền

Người dân Đồng Nai xếp hàng từ 4h sáng. Người dân Bình Dương xếp hàng từ… 3h. Người dân Khánh Hòa thậm chí còn giăng mùng để xếp hàng xuyên đêm.

Và, như trong bức ảnh những hàng mũ bảo hiểm dùng để xếp hàng mà Lao Động đã chụp ở Long Thành, Đồng Nai. Nó y như từ thời bao cấp, khi chưa hề có mạng internet, chưa có công nghệ thông tin, chưa có 4.0, chưa có Chính phủ điện tử, chưa có dịch vụ công trực tuyến.

Nhớ lại tại Lễ sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), có một phần gọi là “trải nghiệm thực tế”. Tại đầu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Huy Việt là công dân đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng DVCQG.

Thật kỳ diệu. Chỉ mất đúng 5 phút, anh Việt đã làm xong hết. Trong khi, nếu theo quy trình thông thường thì anh Việt sẽ phải: Đến cơ quan đất đai hoặc một cửa để nhận thông báo nghĩa vụ tài chính; đến Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng nộp tiền; đến cơ quan đất đai hoặc một cửa để nộp bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính làm cơ sở để xem xét, thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận.

5 phút, thay cho 5 lần đi lại.

Và, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng những con số lượng hóa hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến: Tiết kiệm khoảng 8.000 tỉ đồng chỉ sau hơn 365 ngày “mở cổng”.

5 phút, thay cho 5 lần đi lại, một trải nghiệm tuyệt vời nếu nó không chỉ là trình diễn.

Bởi những đoàn người mang nón bảo hiểm, giăng màn xếp hàng từ 3-4h sáng hôm nay đang xuất hiện không chỉ ở một địa phương? Cũng đơn thuần chỉ là sốt đất gây quá tải.

Nếu nhìn nhận lạc quan thì chúng ta bảo đó là độ trễ trong triển khai Chính phủ điện tử, rằng đột biến bất ngờ.

Còn thực tế, nó nhắc lại chuyện “Chúng ta là nước nói nhiều nhất đến cách mạng 4.0”, để rồi cuối cùng vẫn xếp hàng bằng chân, kê khai bằng tay, nói bằng mồm và mọi thủ tục phải…bằng giấy.

Tại sao không có một phần mềm, một ứng dụng để người dân đăng ký qua mạng mà cứ phải xếp hàng, phải “mặt đối mặt”- khi nó đơn giản đến mức một sinh viên ngành công nghệ thông tin cũng có thể làm được?

Hình như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng năm 2020, trong chính buổi lễ có phần trình diễn như đã nói ở trên cũng đã nhìn ra vấn đề khi ông nhấn mạnh rằng: Cần thay đổi tư duy đã có văn bản điện tử phải có văn bản giấy kèm theo. Bởi như thế thì “tốn kém gấp đôi”.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/trang-dem-giang-man-cho-lam-thu-tuc-dat-va-chuyen-5-phut-thay-5-lan-di-lai-1038499.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202204/trang-dem-giang-man-cho-lam-thu-tuc-dat-va-chuyen-5-phut-thay-5-lan-di-lai-5774883/