Trắng đêm 'luyện Xoan' phục vụ Lễ hội Đền Hùng

Với mong muốn đem đến cho du khách thập phương những tiết mục hay, độc đáo. Trước lễ hội nhiều ngày, các nghệ nhân và thành viên ở các phường Xoan cùng nhau tập luyện, thậm chí có người thức xuyên đêm.

Những ngày này, cứ 19h30 buổi tối, cả trăm người có mặt tại miếu Lãi Lèn để tập hát Xoan.

Những ngày này, cứ 19h30 buổi tối, cả trăm người có mặt tại miếu Lãi Lèn để tập hát Xoan.

19h30, tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cả trăm nghệ nhân và thành viên của 4 phường Xoan cổ là Kim Đái, Thét, Phù Đức, An Thái đã tập trung đông đủ. Rất nhiều người dân khác cũng về đây để xem các thành viên tập luyện.

Dưới mái đình cổ kính, tiếng trống, tiếng phách hòa nhịp với giọng hát ngọt ngào, cùng động tác múa uyển chuyển khiến ai nấy đều mê say, thích thú.

Theo kế hoạch, trong những ngày chính hội (từ mùng 1 - 10/3 âm lịch) thành viên phường Xoan sẽ trình diễn “Hát Xoan làng cổ” tại miếu Lãi Lèn và đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì).

Đặc biệt, tại buổi khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ”, những tiết mục hát Xoan cũng sẽ được biểu diễn để phục vụ đồng bào và du khách thập phương. Và để có những tiết mục hay, độc đáo, các nghệ nhân và thành viên phường Xoan không ngại bỏ công sức, cùng nhau tập luyện.

Dù tuổi đã cao, nhưng tối nào nghệ nhân Nguyễn Văn Hội (Trùm phường Xoan Kim Đái) cũng có mặt, trực tiếp đánh trống, uốn nắn nhịp hát, điệu múa cho các thành viên.

“Giờ lớp nghệ nhân như tôi chỉ còn mấy người, muốn các cháu giữ được những điệu hát, tiếng trống, tiếng phách, điệu múa cổ thì phải truyền dạy tỉ mỉ, uốn nắn từng chi tiết nhỏ”, nghệ nhân Nguyễn Văn Hội nói.

Do có người chuyên, có người không chuyên nên mọi người thường tận dụng buổi tối để tập luyện. Những thành viên mới, sau buổi tập, đêm về còn tự luyện giọng hát, điệu múa và cách vào nhịp trống, nhịp phách.

Do có người chuyên, có người không chuyên nên mọi người thường tận dụng buổi tối để tập luyện. Những thành viên mới, sau buổi tập, đêm về còn tự luyện giọng hát, điệu múa và cách vào nhịp trống, nhịp phách.

Cũng theo ông Hội, mỗi phường Xoan có một cách trình diễn riêng, do đó, để kết hợp nhuần nhuyễn các tiết mục, đầu tiên các trùm phường Xoan phải ngồi lại với nhau để lên kịch bản chi tiết cho từng tiết mục, sau đó để các thành viên tập đi tập lại cho thật nhuần nhuyễn.

Còn theo anh Nguyễn Văn Quyết (Trùm phường Xoan Thét), thành viên trong các phường Xoan có người chuyên, có người không chuyên. Do đó, để tiết mục đồng đều, hòa nhịp, mọi người phải tranh thủ buổi tối để tập luyện.

“Có những thành viên mới tham gia, sau khi tập nhóm, đêm về nhà lại tiếp tục tập hát, tập múa thêm với mong muốn đem đến những tiết mục hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh Đất Tổ thân thiện, mến khách bằng nét đẹp văn hóa độc đáo”, anh Nguyễn Văn Quyết cho biết thêm.

“Dịp Giỗ Tổ năm nay, chúng tôi sẽ trình diễn tại liên hoan với các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của 13 tỉnh, thành trên cả nước, vì thế các thành viên đều gác lại việc cá nhân để nỗ lực luyện tập, sao cho nhịp phách, nhịp trống đều với tiếng hát. Không chỉ tập luyện các tiết mục, làn điệu Xoan, chúng tôi còn kỹ lưỡng chuẩn bị trang phục trình diễn là áo nâu dài, váy đen, khăn mỏ quạ… để đảm bảo hình ảnh khi trình diễn các tiết mục hát Xoan chỉn chu nhất”, nghệ nhân Bùi Thị Kiều Nga chia sẻ.

Tuấn Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trang-dem-luyen-xoan-phuc-vu-le-hoi-den-hung-5715756.html