Tràng Định: Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Tổng đài viên đặc biệt: Chỗ dựa vững chắc cho F0 điều trị tại nhà
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng, ngoài việc trồng và khai thác lâm sản, các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn huyện Tràng Định đã quan tâm phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Kim Đồng là xã có đa dạng sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đặc trưng như: quế, hồi, nhựa thông, măng tre,… Trước đây, diện tích trồng các loại lâm sản ngoài gỗ còn manh mún, người dân chưa chú trọng đầu tư chăm sóc. Từ năm 2010 đến nay, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, thị trường tiêu thụ ổn định mang lại giá trị kinh tế cao nên bà con tích cực phát triển sản xuất. Tiêu biểu nhất trong đó phải kể đến sản phẩm quế, hồi.
Ông La Văn Tuyển, thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng cho biết: Gia đình tôi có hơn 5 ha hồi, mỗi năm cho thu trung bình từ 6 đến 8 tấn hồi. Những năm gần đây, hồi được thương lái thu mua với giá dao động từ 180 đến 300 nghìn đồng/kg khô nên mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng và chăm sóc thêm khoảng 5 ha quế, hiện đã cho khai thác chọn lọc. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 150 đến 180 triệu đồng từ lâm sản ngoài gỗ.
Không chỉ riêng gia đình ông Tuyển, hiện nay toàn huyện Tràng Định có trên 2.400 ha hồi và 4.900 ha quế; sản lượng quế, hồi khô đạt trên 600 tấn mỗi năm, mang lại giá trị gần 190 triệu đồng/ha hồi và trên 480 triệu đồng/ha quế…
Cùng với cây quế, hồi, hiện sa nhân cũng là loại cây được huyện quan tâm hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển. Năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình 135 với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ người dân trên địa bàn 13 xã cây giống sa nhân để phát triển sản xuất. Qua đó, nâng tổng diện tích sa nhân toàn huyện lên gần 200 ha.
Bà Đoạn Thị Yên, thôn 4, xã Đào Viên cho biết: Gia đình tôi đã trồng cây sa nhân từ nhiều năm trước nhưng với diện tích nhỏ lẻ. Nhận thấy thổ nhưỡng thích hợp, có thương lái thu mua với giá cao nên từ năm 2017, tôi đã nhân giống mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình có hơn 2,5 ha sa nhân. Năm 2021, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1,2 tấn quả mang về thu nhập trên 50 triệu đồng. Cùng với phát triển cây sa nhân, gia đình còn đầu tư chăm sóc và trồng mới thêm thông, hồi để nâng cao thu nhập.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nhất là phát triển lâm sản ngoài gỗ có hiệu quả kinh tế cao, hằng năm, chính quyền, ngành chức năng huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cho bà con. Trung bình mỗi năm, huyện phối hợp tổ chức được 30 lớp tập huấn với trên 1.000 lượt người tham gia.
Cùng đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, ngoài cây sa nhân, hằng năm, chính quyền huyện cũng hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc một số cây trồng khác như: quế, hồi… Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ, người dân trên địa bàn huyện đã trồng mới gần 80 ha hồi, 150 ha quế; chăm sóc trên 566,8 ha quế, hồi hữu cơ tại xã Kim Đồng, Đề Thám.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Vài năm trở lại đây, thu nhập từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đã góp phần tăng thu cho bà con trên địa bàn. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích quế, hồi hữu cơ; phấn đấu hết năm 2022, toàn huyện có thêm 1.700 ha quế, hồi hữu cơ. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình khai thác, bảo quản các sản phẩm quế, hồi, sa nhân đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững; tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn.
Hiệu quả từ khai thác, phát triển lâm sản ngoài gỗ trong những năm qua đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 10,84 %, giảm 17% so với năm 2015.