Trang sức bạc trong đời sống của người Dao

Từ xưa đến nay, bất kể giàu hay nghèo, người Dao (đặc biệt là phụ nữ) luôn có cho mình những bộ trang sức bằng bạc. Trang sức bằng bạc được ưa chuộng tới nỗi ở mỗi làng bản người Dao thường có ít nhất một thợ làm bạc thủ công. Thậm chí tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát, nghề chạm bạc được công nhận là làng nghề truyền thống.

Trang sức bạc chủ yếu dùng trang trí trên áo, mũ, vòng cổ, vòng tay… Đối với bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là lễ phục cô dâu, vật dụng này giữ vai trò quan trọng nhất trong việc quyết định tính thẩm mỹ và giá trị của bộ đồ. Thông thường, bộ trang sức bạc của phụ nữ Dao gồm vòng đeo tai có đường kính khoảng 4 - 5 cm, ở giữa có hình cây thông hoặc con cá; vòng cổ (1 hoặc nhiều vòng tùy điều kiện kinh tế) với các vòng có nhiều kích cỡ to, nhỏ khác nhau; vòng tay (1 khoanh hoặc 3 khoanh), nhẫn, xà tích, cúc áo… Ngoài ra, trên các phụ kiện như khăn, yếm, mũ, thắt lưng… người Dao thường trang trí, gắn thêm trang sức bằng bạc để làm đẹp bộ đồ.

Chạm bạc là nghề thủ công truyền thống của người Dao.

Chạm bạc là nghề thủ công truyền thống của người Dao.

Tùy điều kiện kinh tế mà mỗi bộ trang sức có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đây là một trong những sính lễ quan trọng mà gia đình nhà trai mang đến nhà gái trong lễ cưới của người Dao.

Anh Tẩn Phù Vần, một thợ chế tác bạc tại thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum (Bát Xát) cho biết: Bạc có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa của người Dao. Để có những bộ trang sức bằng bạc, chúng tôi mua bạc trắng về nung chảy, đúc, kéo sợi… rồi chế tác thành những món trang sức cầu kì. Hằng năm, cứ vào độ cuối năm thì số lượng đơn hàng làm bạc sẽ tăng vì đây là thời điểm các gia đình chuẩn bị cho việc cưới hỏi của con cái. Khi các gia đình chuẩn bị tổ chức lễ cưới, họ sẽ tới đặt hàng trước, tùy số lượng và độ cầu kì mà thời gian hoàn thành mỗi bộ trang sức có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Một bộ trang sức bằng bạc trắng của người Dao.

Một bộ trang sức bằng bạc trắng của người Dao.

Trên các bộ trang sức bằng bạc, nghệ nhân thường sử dụng họa tiết, hoa văn mang dáng dấp của tự nhiên như chiếc nhẫn có chạm khắc hình cây dương xỉ, cúc áo có hình hoa hẹ, hạt dưa, lá cọ, cây thông… Nếu là vật lễ đính ước hôn nhân, chiếc vòng tay và vòng cổ chạm khắc hình con cá với ý nghĩa gắn kết cô dâu và chú rể sống trọn đời hạnh phúc bên nhau. Khuyên tai bạc của phụ nữ chạm khắc hình hoa lá cách điệu cầu kỳ nhằm tôn vẻ đẹp khuôn mặt của người phụ nữ. Mỗi sản phẩm trang sức bạc có họa tiết trang trí khác nhau, phụ thuộc vào mức độ và tính chất vật thiêng quan trọng của đồ bạc.

Ý nghĩa quan trọng cũng như tính độc đáo của trang sức bạc giúp việc chế tác bạc trở thành một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống của cộng đồng người Dao.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361459-trang-suc-bac-trong-doi-song-cua-nguoi-dao