Trắng tay vì một hợp đồng công chứng

Chuyển nhượng đất hợp pháp, đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng nhiều năm sau, đương sự bất ngờ khi trở thành người bị hại trong một vụ án lừa đảo và mất trắng tài sản vì một văn bản công chứng có dấu hiệu giả mạo.

Từ trộm cắp đến lừa đảo

Trình bày bức xúc của mình đến Chuyên đề Công an TPHCM, ông Ngô Văn Bẩy (ngụ phường Trung Mỹ Tây, Q12) cho biết: Ngày 25/4/2017, ông và bà Ngô Thị Yên ký hợp đồng chuyển nhượng 2.804m2 đất thuộc thửa 1040 tờ bản đồ số 13, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là ông Trương Văn Cạn (SN 1948, ngụ Khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân). Trước đó, vào ngày 17/4/2017, ông Cạn có ký hợp đồng ủy quyền số 07645 cho phép bà Yên được toàn quyền định đoạt đối với thửa đất số 1040. Hợp đồng công chứng này được công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong thuộc Văn phòng Công chứng Quận 12 chứng thực. Ông Bẩy đã làm thủ tục đăng bộ và được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Chánh cập nhật biến động, sang tên.

Sau đợt dịch Covid-19 ông Bẩy đột nhiên nhận được quyết định xét xử của TAND TPHCM. Theo đó, bà Ngô Thị Yên bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông là người bị hại liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 1040. Toàn bộ quá trình điều tra kéo dài 5 năm, nhưng ông Bẩy không hay biết, cũng không được triệu tập lấy lời khai vì lý do thay đổi nơi ở.

CMND thật của ông Cạn trong hồ sơ vụ án

CMND thật của ông Cạn trong hồ sơ vụ án

Kết luận điều tra xác định: Ngày 09/02/2017, ông Trương Văn Cạn đi xe môtô hiệu SH đến tiệm chụp ảnh trên đường Nguyễn Thị Tú thì bị kẻ gian lấy mất xe, trong cốp xe có 5 giấy tờ nhà đất do ông Cạn đứng tên và một số giấy tờ tùy thân. Ngày 21/3/2017, ông Cạn đến Công an phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân tố giác việc mất trộm, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản" để điều tra làm rõ. Đến ngày 10/8/2017, vụ án tạm đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được đối tượng gây án.

Trong khoảng thời gian này, bà Yên cùng một số đối tượng sử dụng các giấy tờ nhà đất do ông Cạn đứng tên, lừa bán cho nhiều người, cụ thể như sau: Vụ thứ nhất vào đầu tháng 3/2017, bà Yên bán thửa đất số 46, tờ bản đồ số 60, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cho ông Huỳnh Văn Dương, sau đó lại bán cho bà Nguyễn Thị Hiệp do ông Trần Anh Tuấn đứng tên. Ông Tuấn đã cập nhật biến động và sang tên Giấy CNQSDĐ. Vụ thứ hai vào ngày 17/4/2017, bà Yên cùng đồng phạm đóng giả ông Cạn, ký hợp đồng ủy quyền tại Văn phòng công chứng Quận 12, sau đó với tư cách là đại diện ủy quyền của ông Cạn, bà Yên ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa số 1040 cho ông Ngô Văn Bẩy với giá 2 tỷ đồng (hợp đồng chỉ ghi 400 triệu đồng), rồi tiếp tục bán thửa đất này cho bà Hiệp. Ba giấy tờ nhà đất còn lại bà Yên giao cho một người đàn ông không rõ lai lịch thông qua hợp đồng vay tiền giả.

Cơ quan điều tra kết luận, Ngô Thị Yên cùng Đặng Văn Tư và một người khác giả mạo ông Trương Văn Cạn, sử dụng các giấy tờ ông Cạn bị mất trộm, sau đó làm giả giấy tờ để ký hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất, chiếm đoạt của bà Hiệp 4 tỷ đồng, của ông Bẩy 400 triệu đồng. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 12/3/2024, Ngô Thị Yên bị xử phạt 17 năm tù, Đặng Văn Tư bị xử phạt 16 năm tù (trong một phiên tòa khác) cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Biên bản ghi lời khai của Công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong

Biên bản ghi lời khai của Công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong

Văn bản ủy quyền có nhiều nghi vấn

Ông Bẩy trình bày: Vì tin tưởng hợp đồng ủy quyền số 07645 ngày 17/4/2017 có chứng thực hợp lệ của Văn phòng công chứng Quận 12, nên ông đồng ý mua đất của bà Yên. Đến nay, bản án sơ thẩm kết luận hợp đồng ủy quyền là giả mạo thì trách nhiệm của Công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong và Văn phòng Công chứng Quận 12 thế nào?

Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 17/4/2017, bà Yên đi cùng một người đàn ông chưa rõ lai lịch đóng giả ông Trương Văn Cạn đến gặp Công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong, Văn phòng Công chứng Quận 12 để ký hợp đồng ủy quyền số 07645. Các bản kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung xác định dấu vân tay, chữ ký, chữ viết trên hợp đồng ủy quyền không phải của ông Cạn, nhưng cũng không biết là của ai, từ đó đi đến kết luận hợp đồng ủy quyền là giả.

Tuy nhiên, kết luận giám định số 1117 ngày 18/7/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM kết luận: Bản in mặt sau CMND số 021170022 mang tên Trương Văn Cạn là thật, bản in mặt trước được làm giả bằng phương pháp in phun màu. Trong khi đó, Công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong có lời khai tại Cơ quan điều tra như sau: Ngày 17/4/2017, bà Yên đi cùng ông Cạn đến Văn phòng công chứng yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền đối với thửa đất 1040. Bà Yên đưa bộ hồ sơ bản chính gồm Giấy CNQSDĐ, bản vẽ hiện trạng, CMND, hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Cạn... Sau khi kiểm tra đối chiếu, xác định đúng đương sự so với giấy tờ bản chính, công chứng viên ký công chứng hợp đồng, bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền cùng ký, điểm chỉ trước mặt công chứng viên. Trong hồ sơ vụ án, bản photo CMND của ông Cạn được đánh số bút lục 657 là CMND thật.

Ông Phong còn khai, trong quá trình công chứng, ông có nói chuyện, giải thích cho các bên về nội dung hợp đồng ủy quyền, hỏi ông Cạn có đồng ý ủy quyền cho bà Yên không, ông Cạn trả lời đồng ý. Điều này có cơ sở chứng minh ông Cạn chính là người ký hợp đồng ủy quyền số 07645, thì việc chuyển nhượng đất của ông Bẩy là hợp pháp. Ngược lại, nếu không đúng ông Cạn thì công chứng viên đã làm sai, phải chịu trách nhiệm về văn bản công chứng mà mình thực hiện. Công chứng viên và văn phòng công chứng gây thiệt hại thì phải bồi thường theo pháp luật.

Ông Bẩy cho biết, tại các phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bị cáo và bị hại nhiều lần đề nghị triệu tập ông Cạn và công chứng viên Nguyễn Vĩnh Phong để đối chất nhưng hai người này luôn vắng mặt, HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai trong hồ sơ. Bên cạnh đó, việc ông Cạn bị mất trộm có rất nhiều nghi vấn: Một là, tài sản bị mất có giá trị rất lớn (xe máy SH và 5 giấy CNQSDĐ), nhưng hơn một tháng sau khi mất tài sản, ông Cạn mới trình báo Công an. Hai là, ông Cạn bị mất giấy tờ nhà đất vào ngày 09/02, nhưng ngày 05/3 lại thuê công ty đo vẽ toàn bộ thửa đất số 1040. Ba là, trước khi trình báo việc bị mất trộm, ông Cạn vẫn giao dịch bán đất cho ông Trần Anh Tuấn. Bốn là, vì sao bà Yên có 5 giấy tờ nhà đất đứng tên ông Cạn, bà Yên là đối tượng trộm cắp hay ai đã cung cấp những giấy tờ này để thực hiện việc lừa đảo trong khoảng thời gian rất ngắn? Ông Bẩy hy vọng những nghi vấn nêu trên sẽ được làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới!

Thu Hiền

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/trang-tay-vi-mot-hop-dong-cong-chung_163885.html