Trang trại gà chục tỷ hoang tàn sau bão lũ, lão nông khốn đốn lo tiền khắc phục
Toàn bộ trang trại gà rộng gần 10.000 m2 của ông Đoàn (Đông Anh, Hà Nội) bị lũ nhấn chìm, giờ bão đã tan, nước đã rút nhưng chi phí hồi phục lại là gánh nặng lớn.
Đến giờ phút này, khi siêu bão Yagi đã qua đi, cơn lũ lịch sử cũng đã rút, ông Hoàng Ngọc Đoàn (SN 1968, trú tại Tàm Xá, Đông Anh, Hà Nội) vẫn không ngừng lo lắng, bởi ông đang phải đối diện với hậu quả quá nặng nề, tàn khốc. Ông buồn bã tự nhận mình là một trong những nông dân chịu tổn thất nhiều nhất do ảnh hưởng của đợt thiên tai khắc nghiệt này.
Chia sẻ với PV Báo điện tử VTC News, ông Đoàn cho biết, hiện ông vẫn đang xoay sở, tìm mọi cách để khắc phục 7 khu chuồng trại gà - mỗi khu rộng khoảng 1.200 m2 ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá. “Dự kiến ít nhất phải mất khoảng 60 ngày thì mới khắc phục xong, mà chi phí thì chưa thể ước lượng được. Tôi chưa biết lấy đâu ra tiền để trang trải các khoản này”, ông lo lắng nói.
Ông Đoàn cho biết, toàn bộ trại gà bị ngập trong nước, bây giờ nước rút, mùi bùn, đất cộng với mùi xác gà chết thối bốc lên nồng nặc. Để có nhân công dọn dẹp, ông phải bỏ ra 1 triệu đồng/người/ngày thì mới thuê được. “Mỗi ngày tôi thuê khoảng 30 nhân công, như vậy là mất đứt 30 triệu đồng/ngày. Trong khi, dự kiến nhanh thì cũng phải 60 ngày mới khắc phục xong, để có thể nuôi gà trở lại. Sau đó là rất nhiều khoản chi khác như mua giống, thức ăn...”, ông Đoàn nhẩm tính.
Vừa lo xoay được tiền, ông Đoàn còn phải lo những khoản nợ sắp đến kỳ phải trả. Để bớt căng thẳng, ông Đoàn đã phải tranh thủ thời gian để đi liên hệ, làm việc với ngân hàng nhằm xin giãn nợ, hoãn nợ, kẻo đến kỳ hạn mà không trả kịp thì lại nợ chồng thêm nợ, càng nặng nề, khó khăn. Tuy nhiên, câu trả lời mà ông Đoàn nhận được ở thời điểm này là “phải chờ vì chưa có hướng dẫn cụ thể”.
Ngoài việc mong ngóng ngân hàng giãn nợ, hoãn nợ, ông Đoàn cũng đang rất mong mỏi được các cấp chính quyền, địa phương, cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thiệt hại về tài sản. "Tôi đã chủ động kê khai số lượng thiệt hại trong đợt này như gà chết, trứng bị nước lũ nhấn chìm làm hỏng, thức ăn cho gà, chuồng trại cùng hệ thống điện bị hư hỏng...Hy vọng nhu cầu của tôi sẽ được đáp ứng một phần giữa lúc vô vàn khó khăn hiện nay", ông bày tỏ.
Được biết gia đình ông Đoàn bắt đầu đầu tư xây dựng trang trại gà từ năm 2021 trên thửa đất đấu thầu của xã. Quy mô của trang trại mỗi ngày lớn dần lên. Tính đến trước thời điểm cơn bão Yagi quét qua, trang trại có khoảng 80.000 con, hầu hết là gà đẻ trứng và gà hậu bị. Trang trại mang về doanh thu khoảng 100 triệu đồng/ngày từ việc bán trứng. Ước tính số tiền đầu tư vào trại gà của gia đình ông khoảng 15-16 tỷ đồng.
Ông Đoàn cho biết, hôm 9/9 thấy mưa to, nước liên tục dâng cao, ông đã chủ động gọi các đầu mối để bán gà nhưng không kịp. Sáng hôm sau, nước đã ngập quá sâu, xe không thể vào đến trại gà. Không có thuyền, nhân công cũng chỉ có vài người. Do đó, ông chỉ kịp bán được khoảng 2.000 con gà với giá 50.000 đồng/con. Sau đó đành bó tay nhìn cả trại gà chìm dần trong nước.
Khi nước rút, gần 80.000 con gà nằm chết cứng đơ, phía dưới la liệt những quả trứng tròn xoe nằm lăn lóc. Theo ông Đoàn, riêng số gà chết cũng có giá trị khoảng 12 tỷ đồng. Ngoài ra, 140 tấn thức ăn bị nước ngập làm thối hỏng, ông đang gọi mọi người lấy về cho cá ăn hoặc bón ruộng. "Sau bão lũ, trang trại gà từng hái ra tiền của tôi chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn, bùn lầy", ông Đoàn xót xa.
32 ngân hàng đăng ký cho vay lãi suất thấp hỗ trợ khách thiệt hại do bão lũ
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 - 2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.
Toàn ngành ngân hàng thống kê sơ bộ có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng phải chia sẻ tích cực với khách hàng bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận ngân hàng, nỗ lực giảm lãi suất, tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành và tùy theo năng lực của các ngân hàng để mức hỗ trợ tương xứng với quy mô.
Đồng thời, phải hỗ trợ kịp thời, đồng bộ, đúng đối tượng, chủ động xử lý, không để khách hàng phải làm đơn đề nghị, thực hiện đúng như cam kết, triển khai công khai minh bạch chính sách, không để trục lợi chính sách...