Trang trại nuôi cá tầm trên núi cao
Tận dụng lợi thế nguồn nước lạnh tự nhiên dồi dào từ các khe suối, ông Giàng A Hồ, bản Xím Vàng, xã Xím Vàng đã đầu tư, xây dựng trang trại nuôi cá tầm trên núi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế, góp phần làm đa dạng các mô hình làm kinh tế ở vùng núi cao.

Mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Giàng A Hồ (bên phải), bản Xím Vàng, xã Xím Vàng.
Năm 2020, sau khi đi tham quan, học hỏi một số mô hình nuôi cá nước lạnh ở tỉnh Lào Cai và tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cá qua sách, báo, ti vi. Cùng với số tiền tích lũy của gia đình, ông Hồ vay thêm 100 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng ao, bể và mua 1.000 con cá tầm giống về nuôi thử nghiệm.
Ông Hồ chia sẻ: Tôi đã nhập cá giống từ cơ sở có uy tín, đảm bảo nguồn nước dẫn vào bể nuôi sạch, nhiệt độ khoảng 18 - 21 độ C, độ PH phù hợp. Bên cạnh đó, cá tầm là vật nuôi đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, do đó, tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra tốc độ sinh trưởng, phát triển, kịp thời phát hiện các loại bệnh, để có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Vừa nuôi cá, tôi vừa đúc rút kinh nghiệm, tích lũy nguồn vốn mở rộng quy mô.
Hiện nay, gia đình ông Hồ có 1 bể ương cá tầm giống, 2 ao nuôi cá, tổng diện tích hơn 800 m², nuôi gần 2.000 con/lứa, theo hình thức gối vụ. Trong năm 2024, gia đình đã xuất bán hơn 2,5 tấn cá tầm thương phẩm, trọng lượng 2,2-3kg/con, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 450 triệu đồng.
Hiện nay, xã Xím Vàng và xã Tà Xùa đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Do đó, lượng cá tầm thương phẩm của gia đình ông không đủ cung cấp cho nhà hàng, homestay, phục vụ khách du lịch. Dự định của ông trong thời gian tới xây dựng thêm 2 ao để mở rộng quy mô nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Hồ mong muốn trong bản có nhiều hộ cùng làm theo, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng mô hình nuôi cá tầm, tăng thu nhập, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông vùng cao.