Trang trọng Lễ khai ấn đền Trần Nam Định
Đêm 11/2 (tức 14 tháng Giêng), Lễ khai ấn đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tỉnh Nam Định tổ chức trang trọng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách.
Trong không gian linh thiêng của lễ khai ấn, trước ban thờ Trung Thiên đền Thiên Trường, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Nam Định đã thành kính dâng hương tưởng nhớ tổ tiên, các vị vua Trần, tri ân công lao to lớn của vương triều Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
![Các đại biểu thành kính dâng hương tại Lễ khai ấn đền Trần Xuân Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Xuân Trường)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51454942/55422f42190cf052a91d.jpg)
Các đại biểu thành kính dâng hương tại Lễ khai ấn đền Trần Xuân Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Xuân Trường)
Động viên cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức phấn đấu học tập, công tác, lao động sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh. Tiếp đó là nghi lễ rước kiệu ấn, nghi lễ khai ấn.
Ngay chiều và đêm 14 tháng Giêng, hàng nghìn người dân địa phương và du khách đã đổ về khu vực đền Trần. Lực lượng Công an tỉnh Nam Định đã huy động 2.500 cán bộ, chiến sĩ, bố trí thành 5 vòng, thực hiện các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm.
Theo thông tin từ Ban tổ chức lễ hội, từ 5 giờ sáng 15 tháng Giêng (12/2), tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa thuộc quần thể di tích đền Trần - chùa Tháp.
![Kiệu ấn được rước từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, sau đó rước ấn vào nội cung để làm lễ xin khai ấn. (Ảnh: Xuân Trường)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51454942/1518931ba5554c0b1544.jpg)
Kiệu ấn được rước từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, sau đó rước ấn vào nội cung để làm lễ xin khai ấn. (Ảnh: Xuân Trường)
Lễ hội năm nay được mở rộng về quy mô và thời gian tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước, tế cá, lễ khai ấn; triển lãm sinh vật cảnh, triển lãm "Thành Nam - Những mốc son lịch sử"...
Các hoạt động diễn ra trong dịp lễ hội hướng đến việc để các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về hào khí Đông A, một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc; quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách.
Lễ khai ấn đền Trần đầu xuân là một tục lệ có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các vị vua nhà Trần bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính - ban dấu ấn tín; mang ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho “quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần”, răn dạy con cháu “tích phúc vô cương” mong con cháu và bách gia trăm họ chăm lo giữ gìn phẩm chất đạo đức, cùng nhau tích phúc, vun đắp phúc đức, hưởng lộc bền vững, cầu cho mọi người, mọi nhà năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.
![Các bô lão địa phương phát lương cho người dân và du khách. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51454942/507dd47ee2300b6e5221.jpg)
Các bô lão địa phương phát lương cho người dân và du khách. Ảnh: TTXVN
Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị văn hóa tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Lễ khai ấn đền Trần năm nay được tổ chức quy củ, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đầy đủ nghi lễ truyền thống, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, nếp sống văn minh, văn hóa. Người dân đi lễ đã thực hiện tốt văn minh lễ hội, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của ông cha, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A sáng ngời của vương triều Trần và quân dân Đại Việt từng 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược (thế kỷ XIII).
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trang-trong-le-khai-an-den-tran-nam-dinh-373389.html