Trang trọng lễ tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào đã mất vì đại dịch
Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì COVID-19, chia sẻ nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ.
Đúng 20 giờ ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 tại điểm cầu chính ở Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và điểm cầu ở Công viên Thống Nhất (thủ đô Hà Nội).
Lễ tưởng niệm được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp từ 20 giờ, đồng thời được nhiều kênh truyền hình Trung ương, các địa phương trong cả nước truyền tiếp.
Tham dự tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất có các vị Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tại đầu cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bùi Thị Thu Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi vòng hoa tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.
Tham dự lễ tưởng niệm có lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương; cơ quan ngoại giao đoàn; đại diện thân nhân gia đình người dân, cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành.
Theo Ban tổ chức, Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì COVID-19, chia sẻ nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ.
Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.
Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình, từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.
Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế-xã hội và mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân.
Đúng 20 giờ 30 phút diễn ra nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.
Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng đánh chuông; các tàu, thuyền, sàn lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng sẽ đồng loạt kéo còi tưởng niệm; thực hiện tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, khách sạn, văn phòng, nhà dân… để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 lúc 20 giờ 30.
Tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi trực tiếp Lễ tưởng niệm từ điểm cầu Hội trường Thống Nhất, sau đó cùng thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm.
Ngoài ra, tại các địa phương có tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hủ-Bến Nghé như Quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình tổ chức thả đèn hoa đăng vào lúc 20 giờ 35 phút.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 19/11, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là hơn 23.500 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận hơn 17.200 người tử vong do dịch COVID-19./.