Trang trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 594 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang

Sáng 15-5 (tức ngày 15-4 âm lịch), tại Khu di tích Tượng đài vua Lê Thái Tổ (đình Nam Hương) bên hồ Hoàn Kiếm lịch sử, UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã trang trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 594 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2022).

Các đại biểu tham dự lễ dâng hương.

Các đại biểu tham dự lễ dâng hương.

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố và quận Hoàn Kiếm.

Quang cảnh lễ dâng hương kỷ niệm 594 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Quang cảnh lễ dâng hương kỷ niệm 594 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Sử cũ đã ghi, đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược nước ta. Với lòng yêu nước nồng nàn, nghĩa khí cao cả, từ núi rừng Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) đã lập hội thề Lũng Nhai, dựng cờ khởi nghĩa. Trải qua mười năm kháng chiến gian khổ, năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, chấm dứt 20 năm ngoại bang đô hộ nước ta.

Trong niềm hân hoan của cả dân tộc, ngày 15-4 năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ chính thức đăng quang tại điện Kính Thiên, thành Đông Quan (nay thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, ban Bình Ngô Đại Cáo, mở ra thời kỳ thịnh trị, đặt nền móng cho công cuộc phục hưng văn hóa Đại Việt. Đến nay, dân gian còn lưu truyền câu ca: "Thời vua Thái Tổ, Thái Tông/Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn".

Dâng hương tại buổi lễ.

Dâng hương tại buổi lễ.

Truyền thuyết kể rằng, năm 1428, vua Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền trên hồ Tả Vọng đã trả lại gươm báu cho rùa thần, từ đó đổi tên hồ thành hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Năm 1894, Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải đã hưng công dựng tượng vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, đặt phía sau đình Nam Hương. Tượng vua Lê được đúc bằng đồng, đứng trên trụ đá tròn cao, tay phải cầm kiếm, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào, tư thế hiên ngang.

Khu di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ gắn với đình Nam Hương đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa trang nghiêm cổ kính, nơi bảo lưu những truyền thống văn hóa tốt đẹp giữa lòng Thủ đô, một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng có giá trị tiêu biểu. Với những ý nghĩa và giá trị trường tồn đó, "Công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ" và “Di tích lịch sử văn hóa đình Nam Hương” đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia để giữ gìn, bảo tồn và lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau.

Hằng năm, cứ đến ngày 15-4 (âm lịch), nhân dân quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung lại thành kính dâng hương, rước lễ tưởng nhớ công đức của vua Lê Thái Tổ.

Chính điện đình Nam Hương.

Chính điện đình Nam Hương.

Nghi thức múa rồng tại buổi lễ.

Nghi thức múa rồng tại buổi lễ.

Lễ dâng hương tại tượng đài Khu di tích tưởng niệm Vua Lê năm nay được tổ chức với quy mô cấp phường, với nội dung trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng quy định về tổ chức lễ hội của Nhà nước và nghi lễ dân gian truyền thống theo đề án "Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm" của quận Hoàn Kiếm.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1032014/trang-trong-to-chuc-le-dang-huong-ky-niem-594-nam-ngay-vua-le-thai-to-dang-quang