Tránh áp lực tăng giá phân bón, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung nội tại

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất, cung ứng kịp thời nhưng giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.

Từ đầu năm nay, giá phân bón liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh phân bón cũng như người dân cùng chịu nhiều áp lực. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và khan hiếm làm cho năng lực sản xuất của DN sụt giảm; phân bón giá bán cao gây trở ngại cho hoạt động canh tác của người dân. “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón” chính là chủ đề đối thoại do Báo Công Thương tổ chức ngày 30/8 nhằm tìm lời giải cho vấn đề này.

Giá phân bón tăng cao nhất 50 năm

Chia sẻ tại chương trình, ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, phân bón đã qua nhiều lần tăng giá nhưng nhìn chung đây là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây. Giá phân bón tăng khi phụ thuộc vào các yếu tố thị trường, giá dầu và giá khí tự nhiên, trong đó giá khí tự nhiên là nguyên liệu chính, chiếm từ 70% - 90% trong quá trình sản xuất các loại phân vô cơ.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng khiến ngành công nghiệp phân bón bị ảnh hưởng đáng kể. Sản xuất, cung ứng phân bón tại nhiều quốc gia đã bị đứt đoạn, tăng nhiều loại chi phí do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, nguyên nhân nữa là do chi phí vận tải, nhất là vận chuyển bằng đường biển sử dụng container tăng chóng mặt. “Với tình hình phân bón trong nước tăng phi mã như hiện nay, tựu chung lại sẽ có lợi cho một số DN, song ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến chính những người nông dân trong hoạt động sản xuất”, ông Hà nhận xét.

Phân bón tăng giá là khó khăn, thách thức rất lớn với người nông dân.

Phân bón tăng giá là khó khăn, thách thức rất lớn với người nông dân.

Giá phân bón tăng cao đã kéo theo chi phí đầu vào tăng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đó là đánh giá của ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khi cho rằng, chi phí sản xuất tăng không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

“Chi phí sản xuất nông nghiệp tăng sẽ khiến thu nhập của người nông dân sụt giảm và chính họ là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. Phân bón tăng giá là khó khăn, thách thức rất lớn với nông dân, tuy nhiên cũng là cơ hội để thay đổi tư duy, sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo năng suất”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.

Theo chia sẻ từ ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, thời gian qua, giá nguyên liệu phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89% làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

“DN không đủ nguyên liệu cho sản xuất khiến công suất và năng lực sản xuất cầm chừng càng khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Khi giá bán sản phẩm tăng cao đã làm giảm sức tiêu thụ của thị trường”, ông Vũ Xuân Hồng phân tích.

Sớm thay đổi phương thức canh tác

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý và DN sản xuất, kinh doanh phân bón cần thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt. Đặc biệt trong thời gian tới, khi dự báo thị trường phân bón còn diễn biến phức tạp, giải pháp ứng phó sớm và bền vững, giảm chi phí đầu vào được coi là một “mệnh lệnh” khi chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân giảm bớt khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề xuất giải pháp chính là tập trung thúc đẩy người dân thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón tiết kiệm cân đối và hiệu quả từ đó giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị nông sản hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Theo đó, người dân cần nhanh chóng thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.

Các HTX nông nghiệp cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ phân bón, giá cả hợp lý cho bà con nông dân.

Các HTX nông nghiệp cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ phân bón, giá cả hợp lý cho bà con nông dân.

Cùng đưa ra giải pháp nhằm cho các DN nhằm giảm giá thành nhưng đảm bảo sản xuất có lãi, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam Phùng Hà lưu ý, các DN sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất, cung ứng kịp thời nhưng giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, các DN cũng cần xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón thay thế sản phẩm phải nhập khẩu.

“Kinh nghiệm cho thấy khi đảm bảo tốt lượng sản xuất trong nước, DN có thể chủ động, vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu, của xung đột trên thế giới hay do lệnh cấm vận”, ông Phùng Hà nói.

Ông Phùng Hà cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường, tăng cường xử phạt để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá; sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón rởm. Song song với đó, các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, HTX nông nghiệp cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ nguồn vật tư có chất lượng, giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tranh-ap-luc-tang-gia-phan-bon-cac-doanh-nghiep-can-chu-dong-nguon-cung-noi-tai-post966787.vov