Tránh bẫy 'cò' đất

Giá bất động sản tăng 10 - 20%, thậm chí có dự án tăng tới 30% so với thời điểm trước Tết. Các chuyên gia nhận định, sự tăng giá bất thường như hiện nay đã phá vỡ mọi quy luật của thị trường, nhiều khả năng, là hiện tượng 'thổi' giá đất nhằm đầu cơ, trục lợi, gây rủi ro cho nhà đầu tư, cản trở phát triển kinh tế địa phương.

 Sốt đất ở nhiều địa phương chỉ mang tính cục bộ

Sốt đất ở nhiều địa phương chỉ mang tính cục bộ

Tăng mạnh ở nhiều nơi

Tại Hà Nội, đất ở khu vực Hoài Đức đã tăng mạnh khoảng 5 năm gần đây, với giá dao động 25 - 50 triệu/m2. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đầu năm 2021, giá đất ở đây đã tăng tới 70 - 100 triệu/m2. Có những dự án “đắp chiếu” lâu nay thì giờ cũng “nổi lên” theo thị trường. Một số khu vực khác như: Đan Phượng, Đông Anh, Long Biên… sau thông tin sẽ quy hoạch xây dựng các khu đô thị, dự án mới thì giá đất có chỗ đã tăng tới 30%.

Sóng đầu tư bất động sản cũng đổ về nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thanh Hóa là ví dụ điển hình. Từ đầu năm đến nay, đặc biệt từ đầu tháng 3, lượng giao dịch mua bán có thời điểm tăng 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải sự nóng lên bất thường này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho biết, có những nơi giá đất tăng dựa trên nhu cầu và tiềm năng, cũng có nơi giá bị “thổi” lên do tin đồn. Chẳng hạn, ở khu vực Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… những địa phương có lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp, nhiều khu công nghiệp được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, tạo ra hệ sinh thái, giá đất tăng dựa trên nhu cầu. Còn với những khu vực có thông tin quy hoạch sân bay, trung tâm thương mại… giá đất tăng nóng, tăng liên tục trong thời gian ngắn có thể xem là bị “thổi”, gây ra những tác hại xấu đến thị trường, xã hội mà chúng ta không lường trước được.

Chỉ trong thời gian ngắn, sốt đất đã lan rộng nhiều nơi, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, làm xáo trộn đời sống của người dân ở nhiều địa phương. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương - ông Dư Công Đức (TP. Thanh Hóa) - cho hay: “Từ sau Tết, khi giá bất động sản được “thổi” lên, nhiều người dân địa phương đã bỏ công việc chính để tham gia đường dây môi giới đầu tư đất. Nhiều gia đình rút tiền gửi ngân hàng để "đổ" vào đất".

Cảnh báo tình trạng sốt ảo

Giới chuyên gia bất động sản nhận định, sự tăng giá bất thường như hiện nay đã phá vỡ mọi quy luật của thị trường. Nhiều khả năng, sự tăng giá này là hiện tượng “thổi” giá đất nhằm đầu cơ, trục lợi, gây tình trạng sốt ảo. Người dân nếu không cẩn thận dễ dính vào làn sóng đầu cơ thổi giá, bẫy giá của nhà đầu tư và dân “cò” đất.

Trước thực tế này, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cảnh báo: Nhà đầu tư hay những người muốn tham gia thị trường bất động sản cần cảnh giác cao độ, tìm hiểu kỹ thông tin. Bởi những cơn sốt đất ảo, bản chất là làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua sẽ bị “mắc cạn”, càng về sau càng thua thiệt vì phải chịu rủi ro từ phần giá trị đất nâng lên cao, vượt quá xa với giá trị thực.

Nguy cơ bong bóng được dự báo có thể xảy ra, song các chuyên gia cho rằng, không cần quá lo ngại về chuyện tăng giá bất động sản ở thời điểm hiện tại. Thị trường bất động sản đang duy trì được nhịp tăng trưởng ổn định và trong vùng kiểm soát an toàn.

GS. ĐẶNG HÙNG VÕ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm, để cơn sốt đất không lan ra toàn thị trường. Các cơn sốt đất ở những địa phương khác chỉ mang tính thời điểm và cục bộ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tranh-bay-co-dat-154864.html