Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền hoặc đã di cư tự do có thuộc đối tượng được Nhà nước bố trí ổn định dân cư không?

Trường hợp nêu trên thuộc đối tượng được Nhà nước bố trí ổn định dân cư theo Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng giúp dân xây dựng nhà, ổn định cuộc sống ở khu vực biên giới. Ảnh: Thùy Chi

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng giúp dân xây dựng nhà, ổn định cuộc sống ở khu vực biên giới. Ảnh: Thùy Chi

Ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chương trình thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); biên giới, hải đảo (gồm cả khu kinh tế - quốc phòng); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng.

Quan điểm, nguyên tắc thực hiện chương trình là: Bố trí ổn định dân cư phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Bố trí ổn định dân cư là mục tiêu, đồng thời là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, tài nguyên nước. Bố trí ổn định dân cư tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất để người dân đến nơi ở mới có điều kiện sống ổn định lâu dài; hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc. Bố trí ổn định dân cư là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương.

Hộ gia đình, cá nhân bố trí ổn định theo quy hoạch, kế hoạch được Nhà nước hỗ trợ về di chuyển (nếu có) và các điều kiện để ổn định đời sống, phát triển bền vững cộng đồng dân cư. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc chương trình theo quy định và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để thực hiện chương trình. Việc bố trí ổn định dân cư chủ yếu trên địa bàn trong xã, huyện, tỉnh. Trường hợp cần thiết có nhu cầu di dân đi ngoài tỉnh, cần thống nhất tỉnh có dân đi và tỉnh có dân đến để bố trí theo quy hoạch. Ưu tiên thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết hợp với di dân tập trung và ổn định tại chỗ.

Theo chương trình này, đối tượng là hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng.

- Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường.

- Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế - quốc phòng, hải đảo.

- Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

- Cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép.

Lưu ý: Phạm vi và đối tượng của chương trình không bao gồm phạm vi, đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế - quốc phòng, hải đảo hoặc di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn cũng thuộc diện của chương trình nêu trên.

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ho-gia-dinh-ca-nhan-tu-nguyen-den-cac-vung-bien-gioi-dat-lien-hoac-da-di-cu-tu-do-co-thuoc-doi-tuong-duoc-nha-nuoc-bo-tri-on-dinh-dan-cu-khong-post481700.html