Tránh bẫy lừa 'dự án ma'
Trong khi cơn sốt ở Bảo Lộc, Lâm Đồng về phân lô, bán đất nền chưa kịp lắng xuống thì tình trạng tương tự lại được phát hiện ở Gia Lai; trước đó là Đồng Nai, TP HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Báo chí trong những ngày qua đã đưa lên hình ảnh những đồi chè hay cà phê bạt ngàn ngày nào bị băm nát, trơ đất đỏ đến nhức nhối, được phân lô phân khoảnh theo kiểu bán đất nền ở TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng. Chính quyền sở tại nói không có dự án phân lô bán nền nào được cấp phép mà chỉ có việc hiến đất làm đường giao thông mới nọ kia…
UBND tỉnh Lâm Đồng hôm 7-12 đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND TP Bảo Lộc và UBND huyện Bảo Lâm tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới cũng như việc tách thửa, chậm nhất đến 11 giờ ngày hôm sau, 8-12.
Thời hạn đã qua, chưa rõ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nắm được tình hình thế nào nhưng dân tình thì không lạ. Bởi từ khi có thông tin về việc đầu tư cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) đi Bảo Lộc (Lâm Đồng) thì đất đai dọc tuyến này đã sốt từng ngày. Thông tin rao bán đất nền dự án ở những nơi "hiến đất làm đường giao thông mới" nói trên cũng đã dày đặc từ nhiều tháng qua.
Làm đường giao thông mới ư? Đúng là có làm. Bởi không có đường đi vào thì làm sao bán được đất nền. Chính quyền địa phương thì chỉ biết được đến chuyện làm đường, còn việc phân lô bán nền ở dọc những đường mới ấy thì chưa nắm được mà thôi (?!).
TP HCM mới đây cũng đã có chuyện một số cá nhân có quyền sử dụng đối với 5 khu đất ở huyện Củ Chi, gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư xin "chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền để công nhân, người lao động tự xây dựng nhà ở". Hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng không được chấp nhận chủ trương nhưng từ trước đó những diện tích đất này đã được "cò đất" hô biến thành các dự án rồi rao bán rầm rộ khiến nhiều người dính bẫy.
Tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì nhà nước không cấm, nhất là sau khi có Nghị định 148/2020/NĐ-CP (hiệu lực thi hành từ ngày 8-2-2021) với các quy định cụ thể hơn về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa… Vấn đề là việc tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, dù dưới dạng nào cũng đều có các quy định chặt chẽ, không phải cứ muốn là làm.
Không ít các công ty bất động sản chỉ thấy lập ra "dự án ma" rồi dụ khách hàng nộp tiền vào dưới các hình thức đầu tư, góp vốn, giữ chỗ, thỏa thuận đặt cọc… Khi đã gom được rất nhiều tiền, khi dự án không có pháp lý để giao sản phẩm, chủ đầu tư sẽ chuyển sang hứa hẹn, thậm chí bỏ trốn, đóng cửa công ty. Điều đáng nói là "dự án ma" nhưng vẫn luôn cuốn hút đối với nhiều người.
Bài học về Công ty CP Địa ốc Alibaba (do Nguyễn Thái Luyện lập ra) và 22 pháp nhân khác vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận tự phân lô tách thửa trái phép bán cho 3.924 bị hại, chiếm đoạt 2.373 tỉ đồng hẳn nhiều người không quên.
Hãy tỉnh táo để tránh bẫy lừa dự án "ma".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tranh-bay-lua-du-an-ma-20211208221308371.htm