Tranh cãi bơi thủy liệu dễ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng con trẻ, chuyên gia nói gì?

Gần đây, trên mạng xã hội có nhiều thông tin tranh cãi liên quan đến việc cho trẻ bơi thủy liệu. Trong đó không ít mẹ băn khoăn, bơi thủy liệu có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con, cụ thể là viêm phổi, vẹo cột sống hay viêm tai giữa?

Có nên cho trẻ bơi thủy liệu?

Mới đây, một clip trên Tiktok chia sẻ tác hại của việc cho trẻ dưới 1 tuổi bơi thủy liệu. Clip đã thu hút gần 20 nghìn lượt like (thích), và rất nhiều bình luận của các mẹ. Trong đó nhiều mẹ cho biết, con đi bơi về bị viêm phổi. Mẹ A.N chia sẻ: “Con đi bơi về xong viêm phổi luôn”, nhưng mẹ này cũng nói thêm: “Mặc dù rất nhiều bé đi nhưng không thấy bị sao, chắc tùy cơ địa”.

Chia sẻ của 1 clip trên Tiktok thu hút gần 20 nghìn lượt like và hơn 2000 chia sẻ (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ của 1 clip trên Tiktok thu hút gần 20 nghìn lượt like và hơn 2000 chia sẻ (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng có không ít mẹ băn khoăn, bơi thủy liệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con, cụ thể là cột sống hoặc dễ làm nước vào tai gây viêm tai giữa. Liên quan đến việc cho trẻ bơi thủy liệu, chia sẻ trên Tổ quốc, bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa - bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải tại thành phố Cà Mau chia sẻ, bơi thủy liệu có nhiều lợi ích như phát triển kỹ năng vận động, tăng cường sức khỏe tim mạch, hô hấp, cải thiện khả năng tập trung, và giúp trẻ ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, trẻ có vấn đề về tim, hô hấp, da hoặc đang ốm yếu, không khỏe không nên tham gia cho đến khi họ hồi phục hoặc có sự đồng ý của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Việt Thanh cũng cho biết, những lo lắng bơi thủy liệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con, cụ thể là cột sống hoặc dễ làm nước vào tai gây viêm tai giữa không hoàn toàn không có cơ sở. Khi thực hiện theo cách đúng, bơi thủy liệu là một hoạt động rất an toàn. Tuy nhiên, sử dụng phao bơi và bảo vệ tai trong quá trình bơi cần phải được hướng dẫn bởi nhân viên hoặc chuyên gia trong trung tâm bơi.

Giải thích cơ chế của phương pháp bơi thủy liệu, chia sẻ trên Thanh niên, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Phòng khám Nhi khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3) cho biết khi sinh ra, cơ thể em bé vẫn còn phản xạ bơi lặn tự nhiên.

Dù phản xạ này sẽ mất đi bởi quá trình biến đổi về thể chất cũng như tác động từ môi trường, tuy nhiên đối với trẻ từ sơ sinh đến khoảng 6 tháng tuổi thì cơ chế này vẫn còn. Hiểu được điều này, tại một số các quốc gia phương Tây, họ thường cho trẻ tiếp xúc rất sớm với nước.

Dù có một số lợi ích nhất định, nhưng các báo cáo tai nạn xảy ra khi bơi thủy liệu, hoặc tình trạng đuối nước khi học bơi cũng xảy ra không ít. Khi áp dụng vào thực tế Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trọng Tín khuyến nghị cha mẹ nên đặc biệt cẩn trọng, bởi việc chọn được một nơi uy tín để con thực hành bơi thủy liệu vừa đảm bảo an toàn, đồng thời vừa đạt được những hiệu quả mong muốn cũng không đơn giản.

Dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con trẻ?

Nói về việc phụ huynh cho con bơi thủy liệu tại gia, chia sẻ trên Thanh niên, bác sĩ chuyên khoa nhi, Nguyễn Trần Bảo Khanh, Bệnh viện quận 7, TP.HCM, cho hay bơi thủy liệu là một phương pháp bơi nổi, sử dụng lực đẩy của nước để massage cho bé kết hợp với sự thoải mái vận động tay chân giúp cho việc tuần hoàn máu và mang lại nhiều lợi ích khác.

Ở nước ngoài, đa số những phụ huynh cho con bơi thủy liệu ở nhà đã học qua các khóa học liên quan. Ảnh chụp màn hình

Ở nước ngoài, đa số những phụ huynh cho con bơi thủy liệu ở nhà đã học qua các khóa học liên quan. Ảnh chụp màn hình

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trần Bảo Khanh, ở nước ngoài, đa số những phụ huynh cho con bơi thủy liệu ở nhà đã học qua các khóa học liên quan, được huấn luyện thuần thục các kỹ năng về sơ cấp cứu cơ bản. Những dụng cụ như phao, bể bơi mini… đều được chọn lọc cẩn thận. Nước tắm trong bể phải đạt chuẩn chất lượng: sạch và nhiệt độ phù hợp", bác sĩ Khanh cho biết.

Chia sẻ trên Tổ quốc, bác sĩ Nguyễn Việt Thanh lưu ý:

Dụng cụ bơi thủy liệu cho bé

Để bơi thủy liệu, mẹ cần chuẩn bị cho bé những dụng cụ sau:

- Bể bơi: Mẹ chọn bể bơi có kích thước phù hợp với độ tuổi của trẻ, giúp trẻ thoải mái trong quá trình vận động và đùa nghịch. Thành bể bơi phải cao và kích thước bể bơi phải lớn tránh tình trạng trẻ vùng vẫy chạm tay chân vào thành bể cũng như dưới đáy bể.

- Phao cổ bơi: Phao cổ giúp bé nổi trên mặt nước và cũng là dụng cụ quan trọng nhất. Khi chọn phao cổ bơi cho bé bơi thủy liệu, mẹ cần chọn loại mềm nhẹ, không có quá chật hoặc quá rộng với cổ bé. Bỉm bơi: Phòng trường hợp bé có nhu cầu đi vệ sinh khi đang bơi thủy liệu.

- Đồ chơi: Đặt đồ chơi dưới nước cho trẻ với các hình thù ngộ nghĩnh giúp bé hứng thú hơn.

Một số lưu ý trước khi cho bé bơi thủy liệu

- Nước tắm có nhiệt độ phù hợp: Chuẩn bị nước ấm khoảng 37℃ giống như nước tắm của trẻ.

- Khởi động trước khi cho bé bơi thủy liệu: Trước khi cho trẻ xuống nước, mẹ cần cho trẻ khởi động bằng cách massage chân tay, giúp trẻ không bị co thắt chân tay khi xuống nước.

- Đeo phao vào cổ và mặc bỉm cho trẻ: Cha mẹ phải kiểm tra kĩ phao cổ xem đã an toàn cho trẻ chưa và chắc chắn không có vấn đề nào xảy ra khi cho trẻ bơi. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, tốt nhất là giám sát chặt chẽ bởi người có chuyên môn.

Lan Phạm

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tranh-cai-boi-thuy-lieu-de-anh-huong-suc-khoe-tinh-mang-con-tre-chuyen-gia-noi-gi-d2574.html