Tranh cãi chính trị quanh những thuyết âm mưu về Công nương Kate
Chính phủ Anh đang lo ngại các đối thủ của Anh chủ ý phát tán thông tin sai lệch về Công nương xứ Wales Kate Middleton để 'gây bất ổn đất nước'.
Việc Công nương Kate vắng mặt dài ngày sau ca phẫu thuật vào tháng 1 năm nay gây ra rất nhiều tin đồn, suy đoán và thuyết âm mưu, cho đến khi cô cho đăng đoạn video để thông báo cô bị ung thư và đang phải điều trị.
Công nương 42 tuổi cho biết cô cần hồi phục sau ca phẫu thuật trước khi tiếp nhận hóa trị theo tư vấn của đội ngũ y tế. Thông tin này gây thêm cú sốc nữa cho Hoàng gia Anh, khi Vua Charles III và Hoàng hậu tương lai đều đang phải chiến đấu với bệnh ung thư.
Thông điệp bằng video của Công nương Kate nhận được sự đồng cảm lớn của dư luận, nhưng vẫn có nhiều thuyết âm mưu được lan truyền về tính xác thực của thông báo và bệnh ung thư. Một số ý kiến trên mạng còn hoài nghi về hiệu quả của hóa trị hoặc cho rằng bệnh của Công nương Kate là do vắc-xin COVID-19.
Theo báo Anh The Telegraph, giới chức Anh đang nghĩ đến khả năng các quốc gia đối thủ như liên quan đến thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xung quanh sức khỏe của Công nương Kate.
“Một phần phương thức hoạt động của các quốc gia thù địch là gây bất ổn, kể cả làm suy yếu tính hợp pháp của cuộc bầu cử hay các thể chế khác”, một quan chức giấu tên nói với Telegraph.
Vấn đề cáo buộc một số quốc gia thù địch can thiệp vào Anh, trong thời điểm chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến cuộc tổng tuyển cử, sẽ được Phó Thủ tướng Oliver Dowden nêu tại Quốc hội đầu tuần tới.
Phố Downing được nói là đang chuẩn bị biện pháp trừng phạt những cá nhân bị cáo buộc can thiệp vào tiến trình dân chủ của Anh, bao gồm cuộc tấn công mạng khiến dữ liệu cá nhân của hàng triệu cử tri bị lộ.
Các bộ trưởng Anh dự kiến sẽ báo cáo chi tiết những vụ tấn công tin tặc nhằm vào Ủy ban bầu cử và 43 cá nhân, bao gồm các nghị sĩ, trong tuần tới.
Ngày 22/3 vừa qua, Thủ tướng Rishi Sunak chỉ trích những thông tin ác ý trên mạng xã hội nhằm vào Công nương Kate vì cô vắng mặt.
“Trong những tuần gần đây, cô ấy đã phải chịu sự soi mói và bị một số phương tiện truyền thông trên thế giới cũng như trên mạng xã hội đối xử bất công”, ông Sunak viết trên mạng xã hội X.
Dân mạng phản ứng
Trên mạng xã hội, một số người nghi ngờ rằng liệu những vấn đề gần đây xung quanh Công nương Kate có phải để lái dư luận khỏi những chuyện khác mà nước Anh đang phải đối mặt.
“Chúng tôi chỉ là những người quan sát, giờ chúng tôi có thể gây hại cho an ninh quốc gia của Anh sao?” một người viết trên mạng xã hội.
“Tất nhiên, các ông có thể đổ lỗi cho Trung Quốc về mọi thứ”, một người khác viết.
Zichen Wang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, nói rằng ông không thể tưởng tượng ra việc Bắc Kinh “quan tâm đến các vấn đề riêng tư của Công nương xứ Wales. Trừ khi tôi được cho xem một số bằng chứng”.
Một ý kiến trên mạng xã hội cho rằng người Anh đang phải “vật lộn với những vấn đề cơ bản: chi phí sinh hoạt, cuộc khủng hoảng nhà ở và giá thuê tăng vọt, đường phố bừa bộn, sự rối loạn trong NHS (Dịch vụ y tế quốc gia Anh) và mọi thứ khác ngoài Kate. Đó là sự cường điệu của giới truyền thông cho rằng Kate là vấn đề quan trọng nhất của quốc gia. Thực tế lại khác”.
“Chắc chắn rồi, hãy đổ lỗi cho nước nào đó về việc đưa tin cẩu thả của BBC! Bất cứ điều gì để làm chệch hướng khỏi những sai lầm của chính họ. Chúng ta lẽ ra phải tin tưởng vào phương tiện truyền thông nhà nước nhưng thậm chí không thể đặt câu hỏi về một clip giả mạo rõ ràng? Chế độ quân chủ sống không phải đóng thuế khi người dân đang chật vật”, một ý kiến viết.