Tranh cãi chưa có hồi kết ở nhiều quốc gia về hôn nhân đồng giới
Cách đây 20 năm, vào ngày 1/4/2001, Hà Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Sau hai thập kỷ, dù đã có thêm nhiều quốc gia chấp thuận hôn nhân đồng giới nhưng đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Hà Lan cởi mở trong vấn đề hôn nhân đồng giới
Dự Luật hôn nhân đồng giới đầu tiên trên thế giới do Nữ hoàng Beatrix của Hà Lan ký vào ngày 21/12/2000 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/4/2001. Luật cho phép các cặp đồng tính kết hôn và cấp quyền nhận con nuôi của các cặp đồng tính ở Hà Lan.
Ngay khi kim đồng hồ chỉ sang ngày 1/4/2001, đã có 4 cặp đôi đồng giới (3 cặp nam, 1 cặp nữ) đăng ký kết hôn tại tòa Thị chính, dưới sự chứng kiến của ông Job Cohen, Thị trưởng Amsterdam khi ấy. Đám đông khoảng 150 người, trong đó có các thành viên của Quốc hội và Chính phủ, đã nhiệt liệt chúc mừng các cặp đôi. Bánh ngọt, sâm panh tràn ngập trong sự kiện lịch sử này và nút thắt hôn nhân đồng giới tại Hà Lan đã được cởi bỏ.
Theo thống kê của tổ chức Eurobarometer, trong 6 tháng đầu năm 2002, hôn nhân đồng giới chiếm 3,6% tổng số cuộc hôn nhân ở Hà Lan. Đến tháng 6/2004, hơn 6.000 cuộc hôn nhân đồng giới đã được thực hiện ở Hà Lan. Khảo sát của Eurobarometer cũng chỉ ra rằng, năm 2020, có tới 92% người Hà Lan cho rằng hôn nhân đồng giới nên được cho phép trên toàn châu Âu, chỉ có 8% phản đối.
Anh Dolf Pasker, người đã kết hôn đồng giới với đối tác Gert Kasteel cách đây 6 năm, tuyên bố: "Tôi tự hào là người Hà Lan. Một xã hội cởi mở, tôn trọng vấn đề cá nhân là điều tôi luôn mong ước".
Trong suốt một thập kỷ qua, Pasker cùng bạn bè của mình đã tổ chức một chiến dịch với sự tham gia của cộng đồng học thuật, luật sư, diễn viên, ca sĩ, người hoạt động thể thao và cộng đồng doanh nghiệp để đấu tranh cho bình đẳng hôn nhân.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều thuận lợi với Pasker. Anh từng phải nhận những lời đe dọa bị giết và vào năm 2005, cảnh sát bắt giữ một kẻ đã lên kế hoạch giết Pasker. Pasker mô tả đó là một "khoảng thời gian khó khăn ở Hà Lan", nhất là trong bối cảnh xã hội Hà Lan rúng động vì các vụ ám sát hai người đồng tính nổi tiếng, chính trị gia Pim Fortuin và nhà làm phim Theo Van Gogh. Rất may là sau đó, mọi thứ đã được kiểm soát và cho đến nay, Hà Lan vẫn là quốc gia khá cởi mở trong vấn đề hôn nhân đồng giới.
29/220 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới
Đến nay, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 29 quốc gia chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, vẫn có hơn 80 quốc gia coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển) không công nhận hôn nhân đồng giới, dù rằng mới đây, tòa án Nhật Bản đã lần đầu ủng hộ vấn đề này. Số quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, áp dụng chính sách trung dung, không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính.
Đến nay, hôn nhân đồng giới vẫn là vấn đề gây tranh cãi, đôi khi còn gây chia rẽ xã hội sâu sắc. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng, việc hợp pháp hóa kiểu hôn nhân này là để đảm bảo nhân quyền, sự bình đẳng giữa các xu hướng tính dục và giảm phân biệt đối xử trong xã hội.
Ngược lại, những người phản đối hôn nhân đồng giới cho rằng, đồng tính luyến ái là không tự nhiên và bất bình thường, rằng việc thừa nhận sự kết hợp đồng giới sẽ thúc đẩy đồng tính luyến ái trong xã hội. Họ cũng cho rằng, trẻ em sẽ tốt hơn khi được các cặp vợ chồng khác giới nuôi dưỡng.
Mới đây, đại diện Vatican cũng đã khẳng định, Giáo hội Công giáo không thể ban phước cho hôn nhân đồng giới, đồng thời nói rằng việc ban phước cho các mối quan hệ có hoạt động tình dục ngoài hôn nhân là "bất hợp pháp". Theo Vatican, người đồng tính phải được đối xử một cách tôn trọng nhưng quan hệ tình dục đồng giới thì không thể chấp nhận. Giáo lý Công giáo cho rằng, hôn nhân giữa nam và nữ là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời và nhằm tạo ra cuộc sống mới.
Một số thống kê đáng chú ý liên quan đến hôn nhân đồng giới
- Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là Hà Lan, vào năm 2001.
- Hôn nhân đồng giới là hợp pháp ở 29 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, gồm: Argentina, Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Vương quốc Anh, Canada, Colombia, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, CH Ireland, Luxembourg, Malta, Mexico, Montenegro, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Uruguay và Hoa Kỳ.
- Montenegro là quốc gia châu Âu đầu tiên bên ngoài Tây Âu và Liên minh châu Âu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
- Bắc Ireland trở thành thành viên cuối cùng của Vương quốc Anh đưa ra quyền kết hôn bình đẳng vào tháng 2/2020.
- Costa Rica trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Mỹ chấp nhận hôn nhân đồng giới vào tháng 5/2020, khi phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án hiến pháp có hiệu lực.
- Ở châu Phi, nơi đồng tính luyến ái là một tội ác ở nhiều quốc gia và có thể dẫn đến án tù hoặc tử hình, riêng Nam Phi cho phép hôn nhân đồng giới.
- Một cuộc khảo sát được tiến hành với gần 100.000 người ở 65 quốc gia vào năm 2019 cho thấy, khoảng 1/3 người được hỏi tin rằng, những người cùng giới tính nên được phép kết hôn.