Tranh cãi chuyện ăn chay giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Sao Paulo (Brazil) cho rằng những người có chế độ ăn thuần thực vật sẽ ít có nguy cơ mắc Covid-19 hơn.
Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học về Dinh dưỡng, Phòng ngừa và Sức khỏe Vương quốc Anh hôm 9/1. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận dựa trên quan sát 702 người và chế độ ăn của họ vào năm 2022, theo Newsweek.
330 người từng mắc Covid-19, với 15% trong số này có triệu chứng từ trung bình đến nặng. Sau khi cân đối các yếu tố khác như chỉ số BMI, hoạt động thể chất và tình trạng bệnh lý, nghiên cứu kết luận những người ăn chay hoặc ăn thuần thực vật có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn 39% so với những người ăn cả thực vật và động vật.
Nhóm nghiên cứu nói rằng không có mối liên quan nào giữa chế độ ăn và thời gian mắc bệnh cũng như độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19.
“Chế độ ăn dựa trên thực vật rất giàu chất chống oxy hóa, phytosterol và polyphenol, có tác động tích cực đến một số loại tế bào liên quan đến chức năng miễn dịch và thể hiện đặc tính kháng virus trực tiếp”, nghiên cứu có đoạn.
Tuy nhiên, nhiều người trong giới dinh dưỡng cho rằng nghiên cứu này không đủ thuyết phục. Duane Mellor, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên tại Trường Y thuộc Đại học Aston (Anh), nói các tài liệu khoa học trong nhiều năm nay đã bác bỏ việc coi chất chống oxy hóa có thể là cơ chế tăng cường miễn dịch.
“Mấu chốt nằm ở việc các chất dinh dưỡng đa dạng và nhiều thành phần trong thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua các cơ chế khác nhau, bao gồm bảo vệ gan hay tăng cường sức khỏe cho hệ vi sinh đường ruột”, ông Mellor nói.
Margaret Rayman, giáo sư Y học Dinh dưỡng tại Đại học Surrey (Anh), cho rằng nghiên cứu trên không đủ bằng chứng để kết luận ăn chay có thể giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19.
“Tôi không đồng ý chế độ ăn dựa trên thực vật có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn chế độ ăn có thịt. Thực tế thì ngược lại”, bà nói.
GS Rayman đưa ra tổng hợp gần đây dựa trên 141 nghiên cứu từ năm 2000 cho thấy những người ăn chay bổ sung vitamin B12, vitamin D, iốt, sắt, kẽm, canxi ít hơn chế độ ăn có thịt, do những chất này thường có nhiều ở động vật.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng quy mô của nghiên cứu còn quá nhỏ để đưa ra kết luận và chỉ mang tính quan sát.