Tranh cãi chuyện Giáng My mặc áo sát nách ngồi kiệu ở Đại nội Huế: 'Cô ấy đâu có làm Nam Phương Hoàng hậu'

NTK Vũ Ngọc Tú cho rằng công chúng đã hiểu hoàn toàn sai lệch về hình ảnh rước kiệu có Hoa hậu Giáng My, cũng như nội dung chủ đạo của show 'Vàng son'.

Mới đây, show thời trang "Vàng son - A Better Day" của bộ đôi thiết kế Vũ Ngọc và Son đã diễn ra tại Đại nội Huế. Buổi diễn quy tụ 50 người mẫu cùng 100 khách mời là ca sĩ, hoa hậu, nghệ sĩ và doanh nhân đến dự, gây được sự chú ý của công chúng.

Nghệ sĩ, khách mời trong chương trình

Nghệ sĩ, khách mời trong chương trình

Vũ Ngọc (tên thật Vũ Ngọc Tú) và Son (Đinh Trường Tùng) từng ghi dấu làng mốt với loạt trang phục màu sắc, họa tiết rực rỡ, giao thoa giữa văn hóa Á Đông và nét hiện đại phương Tây. Họ từng thành công với các show concept đặc biệt như "Domino" năm 2018, show "Lãng Du – L’aventura Resort 2019… Hồi tháng 2, bộ đôi giới thiệu bộ sưu tập "Childhood Memory" tại J Winter Fashion Show 2020 ở New York, Mỹ.

Nhưng ngay sau khi show diễn "Vàng son" được tổ chức tại Huế, trên mạng xã hội chia sẻ bức ảnh chụp cảnh Hoa hậu Đền Hùng Giáng My mặc trang phục màu vàng, hở tay, ngồi trên kiệu, được rước bởi các diễn viên trong trang phục lính triều đình. Kèm theo đó là nhận xét: "Kiệu là phương tiện dành riêng cho vua, Thái hậu và Thái tử. Kiệu của vua gọi là Long liễn (hoặc ngự liễn), thông thường có kết cấu gồm một cái ghế chạm long vân, có mái che, đặt trên một giàn đòn và phải mất đến 16 người để gánh. Vậy mà chương trình lại để một phụ nữ mặt áo sát nách ngồi chễm chệ lên Long liễn để tuyên truyền văn hóa Cung Đình Huế".

Hai NTK Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng

Hai NTK Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng

Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội, NTK Vũ Ngọc Trí cho rằng chỉ có một bộ phận nhỏ khán giả hiểu chưa đúng về hình ảnh rước kiệu, trên thực tế, tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bạn bè, khán giả.

Theo NTK này thì sở dĩ công chúng có nhận xét này là bởi họ cho rằng lễ rước kiệu là "tái hiện lại hình ảnh của Nam Phương Hoàng hậu và lễ rước kiệu của triều Nguyễn". Nhưng thực tế thì chương trình chỉ sử dụng với ý nghĩa chung là nói về các mỹ nữ thời xưa trong yến tiệc, không cố định triều đại nào, không cụ thể đó là cung tần hay vị trí cao hơn trong cung.

Show diễn cũng không phục dựng gì về triều Nguyễn, không tái hiện hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu mà chỉ lấy cảm hứng từ sắc vàng, mây ngũ sắc từ trang phục cung đình làm chủ đạo, còn cái lõi chính yếu là kể một câu chuyện thời trang, khơi lên niềm tự hào lụa là, vải vóc, không khí quyền quý vương giả.

"Từ sắc vàng hoàng tộc, mây ngũ sắc, tôi phát triển lên và cho hình ảnh chim én vào, mang ý nghĩa báo tin vui sau đại dịch. Màu sắc rực rỡ của bộ sưu tập và chim én giống như sự khởi sắc mới cho thành phố Huế. Còn kiệu mà chương trình sử dụng cho Hoa hậu Giáng My ngồi là của bên Trung tâm Phát triển dịch vụ di tích Huế cho mượn. Chiếc kiệu này được phục dựng để ngày thường cho du khách tham quan Đại nội ngồi lên chụp ảnh lưu niệm, ai ngồi cũng được cả. Kiệu của vua là 5 móng, còn kiệu này chỉ có 4 móng, hoàn toàn không có chuyện "phạm húy" ở đây. Giáng My cũng trình diễn rất tốt chứ không có chuyện "người mẫu ngồi lả lơi trên kiệu", NTK Vũ Ngọc Tú nói.

Về thông tin những trang phục này biểu diễn trong khu vực trường lang của Đại nội Huế đã làm mất đi vẻ tôn nghiêm (được cho là chỉ phù hợp với áo dài), NTK này cho rằng trường lang là không gian mở, từng tổ chức các hoạt động Festival và show "Vàng son" cũng là hoạt động văn hóa nghệ thuật, không làm ảnh hưởng về mặt tâm linh, được cấp phép và tuân thủ đầy đủ quy định của Ban quản lý di tích.

Phản hồi nhận xét của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên Huế đánh giá các trang phục trong show diễn là "lòe loẹt, hoàn toàn không ăn nhập gì so với bối cảnh", tác giả "Vàng son" nói: "Với ý kiến này thì chúng tôi sẵn sàng đón nhận vì nhìn vào bộ sưu tập, mọi người có quyền đưa ra nhận xét, khen chê theo cảm nhận của mình. Nhưng nói "phục dựng" hay "lấy cảm hứng từ lễ rước kiệu Hoàng hậu Nam Phương là đổ thừa. Tôi đâu có phục dựng gì, cũng không nói về triều Nguyễn, chỉ là làm thời trang thuần túy mà thôi.

Trang phục của Giáng My có phần khoác bên ngoài nhưng khi ngồi trên kiệu đã bị gió tốc nên hở tay, dẫn đến bị cho là thiếu trang nghiêm trong lễ rước kiệu

Trang phục của Giáng My có phần khoác bên ngoài nhưng khi ngồi trên kiệu đã bị gió tốc nên hở tay, dẫn đến bị cho là thiếu trang nghiêm trong lễ rước kiệu

Nhắc đến những chương trình thời trang tại Huế, mọi người thường nghĩ đến các show áo dài, "Vũ Ngọc và son" là show diễn hiện đại lần đầu tổ chức ở Đại nội Huế. NTK Vũ Ngọc Tú cho rằng có lẽ vì thế mà công chúng chưa quen.

"Nhưng tôi sống ở Huế nhiều năm, từng có 17 năm dạy học nên khi làm chương trình đã nghiên cứu rất kỹ. Ngay cả khách mời, chúng tôi cũng lựa chọn rất kỹ. 140 thiết kế đều nghiêng về hơi hướng cổ điển, kín đáo. Sở dĩ trang phục của Giáng My bị hở tay là do gió tốc, chứ thực tế thì nó có cánh để che." NTK nói.

L.T.Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/tranh-cai-chuyen-giang-my-mac-ao-sat-nach-ngoi-kieu-o-dai-noi-hue-co-ay-dau-co-lam-nam-phuong-hoang-hau-20201009000118788.htm