Tranh cãi công nghệ trẻ hóa diễn viên ở Hollywood

Giới làm phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood đang phát cuồng với công nghệ trẻ hóa diễn viên. Nhưng sau vài lần áp dụng món quà công nghệ này, giới chuyên môn bắt đầu băn khoăn liệu có nên áp dụng không?

Trong bộ phim "The Irishman", một trong những ứng viên của Giải Oscar lần thứ 92-2020 của đạo diễn Martin Scorsese, công chúng yêu điện ảnh vừa thích thú vừa ngỡ ngàng với nhan sắc lão hóa ngược của tài tử gạo cội Robert De Niro và Al Pacino. Khán giả không thể tin được, ở tuổi 79-80 nhưng cả hai diễn viên "huyền thoại" này trông như trung niên, da không nếp nhăn, vóc dáng lại phong độ và tất nhiên diễn xuất thì không thể chê vào đâu được. Người xem sẽ chứng kiến nhân vật Frank Sheeran từ khi còn trẻ tới khi về già, cùng với sự biến đổi ngoại hình của nam diễn viên Robert De Niro và bạn diễn Al Pacino theo tiến trình thời gian vạch ra trong phim.

Poster phim “The Irishman” Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Poster phim “The Irishman” Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Ngoài Robert De Niro và Al Pacino, khán giả cũng được chứng kiến diễn viên Kurt Russell được trẻ hóa trong "Guardians of the Galaxy Vol 2", Robert Downey Jr trong "Captain America: Civil War", Anthony Hopkins trong bộ phim truyền hình "Westworld" hay Will Smith trong "Gemini Man"…

Dù vậy, chính đạo diễn Martin Scorsese thừa nhận bản thân ông sau khi áp dụng "món quà công nghệ" này đã cảm thấy không hài lòng như mong đợi. "Có phải công nghệ này làm thay đổi luôn cả đôi mắt diễn viên? Nếu vấn đề là như vậy thì điều tôi mong muốn được nhìn thấy trong đôi mắt diễn viên là gì? Sự kịch tính? Sự đe dọa? Sự nghiêm nghị? Làm thế nào để chúng ta lấy lại được những cảm xúc đó trong đôi mắt? Tôi không biết!". Đạo diễn Martin Scorsese đã nhận ra rằng dù những diễn viên của ông đã được thay đổi diện mạo nhưng cái chính là nó không thể làm cho bộ phim của ông xuất sắc hơn nếu cái thần của diễn viên, thông điệp của bộ phim mà ông muốn truyền tải không được thể hiện một cách xuất sắc.

Dù "The Irishman" được nhìn nhận là bộ phim xuất sắc nhất năm 2019 nhưng đạo diễn Martin tin rằng phim của ông sẽ còn xuất sắc hơn nếu sự trẻ hóa của các diễn viên trong phim không có phần gượng gạo.

Đây cũng chính là trăn trở của các nhà phê bình và làm phim khác. Giới phê bình cho rằng có một khoảng trống lạ lùng nào đó xuất hiện khi công nghệ trẻ hóa diễn viên được sử dụng trong một bộ phim. Câu trả lời là công nghệ mới nhất này của giới điện ảnh khiến cho nhân vật trở nên thiếu tự nhiên. Một phiên bản trẻ trung hơn nhiều so với diễn viên ngoài đời thật mang lại cảm giác khá thú vị nhưng chỉ là cảm nhận trong vài phút đầu tiên. Bởi vì ngay sau ấn tượng đó, khán giả lập tức ngờ ngợ rằng làm gì có chuyện ông ấy/bà ấy có thể trẻ như thế được? Đó là điều khó chấp nhận. Nhiều người còn đánh giá rằng phiên bản trẻ trung hơn này khiến họ thấy "rờn rợn" bởi không giống như đang theo dõi một con người mà là một thực thể nào đó đang đóng giả một con người. Điều này dễ hiểu bởi nhiều khán giả đã biết đến diễn viên từ khi họ còn trẻ trung thực sự, sẽ có sự so sánh đối chiếu về mức độ chân thật giữa thời trẻ khi xưa và vẻ trẻ trung được tạo dựng bằng công nghệ hôm nay.

Tờ The Guardian (Anh) nhận định công nghệ trẻ hóa này là một sự hiểu biết hời hợt về tâm lý học, vì vậy không thể kỳ vọng những điều ấn tượng lớn lao. Điện ảnh mang lại những rung động và xúc cảm, có những điều công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng không thể làm thay được một diễn viên chân thực và sống động.

Thụy Vũ tổng hợp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tranh-cai-cong-nghe-tre-hoa-dien-vien-o-hollywood-20200119220830385.htm