Tranh cãi đánh thuế giữa Grab và ngành thuế: Grabber chết chẹt
Trong khi Grab và một số hãng xe công nghệ điều chỉnh tăng giá cước để đối phó với Nghị định 126 (hiệu lực từ 5/12), ngành Thuế vẫn khẳng định quy định đã rõ, không cần thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, nên có quy định tỉ lệ khấu trừ.
Grab gay gắt nêu lý
Theo báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam của Cty tư vấn thị trường công nghệ toàn cầu (ABI Research), 6 tháng đầu năm 2020, Grab vẫn chiếm 74,6% thị phần, tăng nhẹ so với 73% nửa đầu năm 2019.
Grab đã mở rộng cả sang dịch vụ đặt đồ ăn, giao hàng, thanh toán di động thông qua hợp tác với Moca. Grab cho biết, sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam trong 5 năm tới, nâng tổng số vốn đầu tư tại đây trong vòng 10 năm lên 700 triệu USD.
Trong khi đó, Be - ứng dụng gốc Việt đã dần bị Gojek Việt Nam bắt kịp với thị phần lần lượt là 12,4% và 12,3%. Một ứng dụng gốc Việt khác là FastGo cũng chiếm 0,7% thị trường, giảm nhẹ so với 1% vào năm ngoái.
Khi Nghị định 126 (NĐ 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Theo quy định tại nghị định này, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ), tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu. Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của Luật Thuế TNCN, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
Sau khi quy định được áp dụng, Grab đã thay đổi chính sách với lái xe bằng việc tăng tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác Grabbike từ 23,6% lên 27,273%; với Grabcar, mức khấu trừ mới là 28,3% và 32,8% so với mức 23,6% và 28,3% trước đó. Cùng với tăng chiết khấu, Grab cũng tăng giá cước từ 8% đến 10% đối với từng loại hình dịch vụ.
Ứng dụng gọi thức ăn của Hàn Quốc Baemin cũng nâng tỉ lệ chiết khấu của tài xế từ 20% lên 27,273% kể từ ngày 5/12. Tiếp đó, từ 0h ngày 12/12, Gojek bắt đầu điều chỉnh tăng giá cước các dịch vụ GoRide, GoSend và GoFood tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Đại diện Grab Việt Nam cho rằng, Tổng cục Thuế không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT.
Grab Việt Nam cho biết, Tổng cục Thuế khẳng định rằng tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế VAT cho khoản doanh thu của mình. Tuy nhiên, trước đây, theo Công văn 384 cũng do Tổng cục Thuế ban hành vào năm 2017 đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể, trong đó phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%, còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
Grab lập luận việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế VAT phải căn cứ vào Luật thuế VAT. Theo đó, quy định Grab phải nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật Thuế VAT.
Không cần đến thông tư hướng dẫn
Ngày 15/12, trả lời Tiền Phong về lập luận của Grab, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định không có chuyện ngành Thuế bất nhất trong thu thuế VAT.
Theo bà Lan, trước khi có Nghị định (NĐ) 126, để đảm bảo cho Uber, Grab và các hãng xe công nghệ nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN), ngành Thuế tạm thời ra Công văn 384 hướng dẫn theo căn cứ pháp lý tại thời điểm đó. Nay có NĐ 126 của Chính phủ thì phải áp dụng theo NĐ này. “Một văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước trước khi ban hành đã trải qua nhiều đơn vị tham gia góp ý, xây dựng, thẩm định”, bà Lan nhấn mạnh.
Đại diện Tổng cục Thuế cho hay, việc tăng giá cước hay điều chỉnh mức chiết khấu là quyền của Grab vì họ hoạt động kinh doanh. Còn khi đánh giá tác động của NĐ 126, theo bà Lan, cơ quan soạn thảo nhận thấy không có tác động đến tăng nghĩa vụ thuế. Chính sách thuế VAT áp dụng cho ngành vận tải từ trước đến nay vẫn 10% không thay đổi.
Bình luận về ý kiến NĐ 126 chỉ nói tổ chức phải khai thay, nộp thay thuế VAT cho cá nhân, không nói rõ Grabbike, bà Lan giải thích: “Đúng là các văn bản hướng dẫn về kinh doanh vận tải chưa có quy định với đối tượng 2 bánh. Thế nhưng, về mặt pháp luật thuế, cá nhân có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu, lợi nhuận đều thuộc đối tượng phải chịu thuế. Việc Grab nói quy định của ngành Giao thông Vận tải chưa có điều chỉnh đối với xe 2 bánh không có nghĩa là ngành Thuế không được thu, trừ những đối tượng miễn thuế thì có quy định được miễn rõ ràng”.
Nhiều ý kiến của chuyên gia cũng cho rằng, việc Grab nâng giá cước, tăng chiết khấu trên mỗi cuốc xe của tài xế xe ôm là bất công vì tài xế không được khấu trừ tiền mua sắm xe cộ, xăng dầu, hao mòn tài sản,...Như vậy không khác gì đánh thuế doanh thu. Theo đại điện Tổng cục Thuế, tài xế xe ôm không thuộc diện kê khai sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ nên họ chỉ phải nộp thuế TNCN 1,5%.
Các hộ kinh doanh cũng vậy, nếu không thực hiện sổ sách kế toán thì họ cũng nộp trên doanh thu chứ không được trừ chi phí gì. “Nếu nộp thuế khoán trên doanh thu thì mức thuế cực thấp. Trong khi DN đã phải nộp thuế TNDN 20% trên chênh lệch (doanh thu trừ chi phí), nên thuế TNCN với trường hợp không sổ sách kế toán chỉ phải nộp 1,5%. Khi xây dựng mức thuế 1,5%, các tài xế đã được ngành Thuế trừ ngầm một khoản cố định rồi”, bà Lan giải thích.
Theo bà Lan, Grab có sự nhập nhèm trên chứng từ mỗi cuốc xe gửi cho tài xế như “phí sử dụng ứng dụng và thuế”, không nói rõ thuế bị trừ là bao nhiêu phần trăm. “Grab khai chỉ được hưởng 20%, trong khi tài xế hưởng 80% nhưng thực sự tài xế Grab hưởng chỉ khoảng 60-63%”, bà Lan nói.
Khi được hỏi tại sao các hãng xe khác không phản ứng gay gắt như Grab, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các hãng khác cũng đang âm thầm tăng giá cước. Song, Grab đang chiếm thị phần quá lớn, tài xế Grab quá đông nên khi DN tăng giá cước và chiết khấu là tài xế đồng loạt phản ứng.
Trước ý kiến cho rằng, “Bộ Tài chính, ngành Thuế cần có thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện NĐ 126”, bà Lan nói: “Bộ Tài chính nếu được giao soạn có thông tư hướng dẫn thì mới phải soạn. Còn với thuế VAT đã có quy định rõ ràng, không cần hướng dẫn thêm”.
Bảo vệ quyền chính đáng của tài xế
Giữa đông Hà Nội giá lạnh, nhiều tài xế vẫn chạy ngoài đường. Không ít tài xế Grab có lúc đã phải so mình đứng lại, cố lấy năng lượng để làm việc tiếp. Nhìn vào những gì họ cố gắng có thể thấy, họ vừa muốn nỗ lực để mưu sinh, song cũng vừa nỗ lực để làm việc dưới thương hiệu Grab. Một Grab cho biết, họ được yêu cầu mặc trang phục riêng và cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của phía Grab để trở thành thành viên của Grab.
Tuy nhiên, sau khi ngành Thuế siết thu nhập, doanh nghiệp tăng chiết khấu, các tài xế là người chịu thiệt lớn nhất. Họ như chết chẹt giữa tranh cãi còn gay gắt. Họ thuộc về Grab, làm cho Grab nhưng mọi quyền lợi của một lao động bình thường gần như không có gì ngoài được sử dụng ứng dụng công nghệ. Bảo hiểm, chế độ, sự quan tâm của cung cách quản lý của “ông chủ” đối với nhân viên ấm tình cấp trên cấp dưới khó có thể nói ở đây. “Thời công nghệ phải chăng là như vậy, là tất cả cũng sẽ thoát khỏi mọi quy định luật pháp, trong đó có cả Luật Lao động?”, một tài xế Grab cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, mấu chốt nằm ở chỗ hợp đồng giữa các tài xế Grabbike và Grab là đối tác tài xế, không phải là hợp đồng lao động chính thức giữa doanh nghiệp và người lao động. Do đó, các cơ quan quản lý cần xem xét lại các quy định về hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp - tài xế nhằm: Bảo vệ quyền của chính doanh nghiệp, của hành khách, đặc biệt là của tài xế khi phát sinh các tranh chấp với doanh nghiệp cũng như đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế vào ngân sách nhà nước.
Bộ GTVT mới đây đã có văn bản yêu cầu các DN quản lý các ứng dụng đặt xe công nghệ báo cáo về việc đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định 10/2020.