Tranh cãi khắp Italy về số phận 'thiên tài gấu vượt ngục'
Việc gấu nâu Papillon liên tiếp bị bắt nhốt đã gây ra làn sóng tranh cãi trên khắp Italy về việc có trả tự do cho các loài động vật săn mồi kích thước lớn hay không.
Theo Guardian, cá thể gấu nâu có mã số M49, nặng 149 kg, đã bỏ trốn khỏi trung tâm Casteller ở tỉnh Trentino (Italy) vào ngày 2/7 sau khi trèo qua hàng rào được gia cố. Sau 42 ngày bỏ trốn và được cho đã giết nhiều gia súc trong vùng, con gấu đã bị kiểm lâm tỉnh Trentino bắt lại.
Đây không phải lần đầu tiên chú gấu này "vượt ngục". Câu chuyện về hành trình chạy trốn rồi bị bắt lại của gấu M49 đã châm ngòi cuộc tranh luận về thả tự do cho gấu nâu trong khu vực Bắc Italy.
Mối xung đột lâu đời
Gấu là động vật gắn liền với lịch sử và văn hóa của vùng Nam Tirol. Vào đầu thế kỷ 17, các thống đốc tại đây treo thù lao hậu hĩnh cho thợ săn gấu khiến số lượng loài vật này giảm mạnh. Đến năm 1998, chỉ còn 4 cá thể gấu nâu sót lại trong môi trường hoang dã ở Trentino.
Khi loài gấu bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng, dự án Life Ursus với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) đã được triển khai nhằm đưa gấu quay trở lại môi trường sống tự nhiên.
“Họ đem 3 gấu đực và 6 gấu cái từ Slovenia đến Trentino”, nhà động vật học Osvaldo Negra kể lại. “Lứa con non ra đời vào đầu những năm 2000. Kể từ đó, số cá thể gấu tăng đều và chạm ngưỡng 60 con. Vào năm 2010, ban quản lý dự án Life Ursus tuyên bố kế hoạch đã thành công mỹ mãn”.
Tuy nhiên, khi những con gấu nâu được chuyển đến Công viên Thiên nhiên Adamello Brenta, mối xung đột muôn thuở giữa người và gấu một lần nữa bị khơi lại.
Ornella Dorigatti, đại diện Tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (OIPA) tại Trentino, giải thích: “Những con gấu di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Chúng lang thang tự do trong các thung lũng, tiến sát ranh giới của một số ngôi làng và săn gia súc do thiếu thức ăn”.
Theo quy định sở tại, chủ chăn nuôi sẽ được trả hơn 1.400 USD cho mỗi con gia súc bị động vật hoang dã bắt. Thế nhưng, cuộc xung đột giữa người và gấu vẫn chưa được giải quyết.
“Chúng ta cần phải giới hạn số lượng gấu lại. Và khi dùng từ ‘giới hạn’, ý tôi là chúng ta cần giảm số cá thể gấu xuống”, ông Giacomo Broch, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Trento, chia sẻ.
Trong giai đoạn 2012-2017, kiểm lâm địa phương đã bắn chết nhiều con gấu bị cho là tấn công người dân.
Năm 2018, dưới sự ủng hộ của nhiều gia đình làm chăn nuôi, thành viên đảng Liên đoàn cực hữu Maurizio Fugatti đã được bầu làm chủ tịch tỉnh Trentino. Sau khi nhậm chức, ông Fugatti ra lệnh cho nhân viên kiểm lâm bắn hạ những con gấu bị coi là nguy hiểm.
"Thiên tài vượt ngục": gấu nâu Papillon
Đứng đầu danh sách nói trên là gấu đực 4 tuổi mang mã số M49. Vị thị trưởng tuyên bố con gấu phải chịu trách nhiệm cho hàng chục vụ tấn công gia súc nên ông ra lệnh bắt giữ nó. Vào ngày 14/7/2019, con gấu đã bị bắt.
Chỉ một ngày sau, M49 thoát khỏi lồng, trèo qua 3 hàng rào điện, một rào chắn cao 4 m và chạy trốn vào rừng. Ông Fugatti cho phép lực lượng kiểm lâm bắn hạ nếu con gấu đến gần khu vực dân sinh. “Việc con gấu trèo qua hàng rào điện 7.000 volt cho thấy đây là một cá thể nguy hiểm, một mối nguy cho sự an toàn của người dân”, ông Fugatti tuyên bố.
Cuộc đào thoát khiến M49 được đặt biệt danh Papillon, dựa trên hình mẫu người vượt ngục vĩ đại trong hồi ký cùng tên của Henri Charrìere.
Hai tháng sau khi bị bắt lại vào ngày 29/4, Papillon một lần nữa thoát ra. Khi bắt lại được con vật, các nhà chức trách gắn một vòng cổ định vị vô tuyến để theo dõi chuyển động của Papillon.
Tuy nhiên, vào ngày 27/7, M49 lại thoát khỏi nơi nuôi nhốt, đồng thời gỡ bỏ vòng cổ định vị.
Ngày 14/8, trên đường đào tẩu, con gấu bị truy nã gắt gao nhất châu Âu đã băng qua thung lũng Fiemme và bị cho đã giết hại 4 con bò của nhà Varesco, một gia đình có truyền thống chăn nuôi gia súc suốt 3 thế hệ.
Papillon đã bị kiểm lâm tỉnh Trentino bắt lại vào tháng 9. Theo nguồn tin từ Trung tâm Casteller, nơi giam giữ con vật này, các bác sĩ thú y đã dùng thuốc an thần để Papillon bình tĩnh lại.
Bộ trưởng Môi trường Italy Sergio Costa tuyên bố Papillon phải được thả về môi trường tự nhiên. Nhưng ông Costa cho biết thêm là chính phủ Italy có rất ít thẩm quyền trong việc quyết định tương lai của Papillon, bởi Trentino vốn là một tỉnh tự trị.
“Giữa việc nhốt và giết M49, với cương vị nhà động vật học, tôi sẽ chọn giết con vật”, ông Negra nói. “Tôi xem đó là giải pháp tốt hơn đối với một loài động vật hoang dã”.
"Một phát súng không giải quyết được vấn đề"
Ngay cả khi Papillon được thả về môi trường tự nhiên, các nhà hoạt động vì quyền động vật vẫn phát động một cuộc chiến pháp lý với giới chức địa phương.
“Những con gấu phải được trả tự do”, đại diện Dorigatti của OIPA tại Trentino khẳng định. Bà đã tuyệt thực 10 ngày để phản đối việc Papillon bị giam giữ.
“Khu vực Trentino nhận quỹ từ EU để tái hòa nhập gấu vào môi trường tự nhiên, vậy mà khi số lượng loài này bắt đầu ổn định trở lại, họ lập tức muốn loại bỏ bớt”, bà Dorigatti nói thêm. “Những khu rừng nơi đây thuộc về sói, gấu và hươu. Con người chúng ta chỉ là khách”.
Ở chiều ngược lại, những người chăn nuôi gia súc đã định cư trên các thung lũng rộng lớn qua nhiều thế hệ và không muốn chia sẻ nguồn môi trường sống này với những kẻ săn mồi to lớn khác.
Theo ông Marco Galaverni, Giám đốc Khoa học tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), bước đầu để thực hiện kế hoạch đưa các loài săn mồi có kích thước lớn trở lại tự nhiên là phải giải quyết xung đột lợi ích giữa gấu và người, đồng thời ngăn nguy cơ chạm trán giữa hai loài.
“Về bản chất, một phát súng không thể giải quyết những vấn đề trong quá trình chung sống giữa gấu và người”, ông Galaverni nói.