Tranh cãi trường THCS tuyển dụng hiệu trưởng lương 6,8 tỷ đồng/năm
TRUNG QUỐC - Trường THCS Thương Nam (Trung Quốc) ra thông báo tuyển dụng hiệu trưởng lương 2 triệu NDT/năm (6,8 tỷ đồng) và giáo viên đầu ngành là 1,5 triệu NDT/năm (5,1 tỷ đồng), gây xôn xao dư luận.
Lương hiệu trưởng 6,8 tỷ đồng/năm
Ngày 17/3, Trường THCS Thương Nam (Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) đăng thông báo tuyển dụng vị trí hiệu trưởng và giáo viên với mức lương cao, gây xôn xao dư luận. Đây là trường trung học trọng điểm số 1 Chiết Giang. Hiện tại, trường có 60 lớp với gần 2.400 học sinh.
Nội dung thông báo tuyển dụng của nhà trường như sau: "Để tăng cường việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên giỏi, thực hiện chiến lược 'trường trung học hàng đầu huyện'. Nhà trường thông báo tuyển dụng hiệu trưởng và giáo viên đầu ngành trên cả nước năm 2024:
Vị trí và chỉ tiêu: 1 hiệu trưởng; 2 giáo viên đầu ngành (Văn và tiếng Anh); 2 huấn luyện viên ôn thi Olympic (Toán và Vật lý).
Quyền lợi và lợi ích: Nhà trường thực hiện trả lương hàng năm dựa trên hiệu suất. Đối với hiệu trưởng mức lương có thể vượt quá 2 triệu NDT/năm (6,8 tỷ đồng). Còn giáo viên đầu ngành và huấn luyện viên ôn thi Olympic mức lương hơn 1,5 triệu NDT/năm (5,1 tỷ đồng).
Chi tiết có thể thương lượng, phương pháp đánh giá hiệu suất được xây dựng riêng. Trường hợp học sinh đỗ vào Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh hoặc đạt huy chương Vàng cuộc thi quốc tế giáo viên được thưởng riêng.
Đối với những cán bộ kỹ thuật chuyên môn trình độ cao được tuyển dụng, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp sẽ thực hiện theo quy định liên quan.
Nếu vợ/chồng làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc tổ chức công có thể theo quy định liên quan luân chuyển đến đơn vị tương ứng. Con đi theo bố/mẹ khi chuyển công tác, nếu là học sinh từ THPT trở xuống, có thể theo học tại Trường THCS Thương Nam.
Giáo viên giỏi cấp tỉnh (hoặc năng lực tương đương) trở lên được thưởng 1 triệu NDT/lần (3,4 tỷ đồng) và hỗ trợ mua nhà mới 1 lần ở Thương Nam 1 triệu NDT (3,4 tỷ đồng). Giáo viên có chức danh cao cấp (hoặc năng lực tương đương) được thưởng 500.000 NDT/lần (1,7 tỷ đồng) và hỗ trợ mua nhà mới ở 1 lần Thương Nam 600.000 NDT (2 tỷ đồng)".
Theo đó, đại diện nhà trường cũng xác nhận, mức lương chiêu mộ đội ngũ nhân tài lần này cao nhất lịch sử ở Thương Nam. Không ít người đặt ra câu hỏi, việc nhà trường xử lý bài toán tài chính.
Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Phương Thụ - Trưởng phòng Nhân sự thuộc Sở GD&ĐT Thương Nam cho biết, việc tuyển chọn và đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi của trường đã được TP Ôn Châu phê duyệt. "Nguồn vốn liên quan đến tuyển dụng của Trường THCS Thương Nam từ quỹ Giáo dục Bỉnh Chính với số tiền tài trợ 100 triệu NDT (340 tỷ đồng)", ông Thụ chia sẻ.
Quỹ được thành lập bởi ông Tạ Bỉnh Chính - doanh nhân ở Thương Nam - Chủ tịch Tập đoàn may Biyinlefen. Là người quan tâm đến giáo dục, tháng 9/2023, ông Chính quyết định thành lập quỹ để hỗ trợ cho sự phát triển giáo dục ở Trường THCS Thương Nam.
Tranh cãi mức lương cao liệu có xứng đáng
Trước đó, một số nơi như Thâm Quyến, Quảng Tây và Hải Nam cũng đưa ra mức lương từ 600.000-1,5 triệu NDT/năm (2-5,1 tỷ đồng) để chiêu mộ giáo viên. Việc thu hút nhân tài bằng mức lương cao trở nên phổ biến trong ngành giáo dục ở Trung Quốc những năm gần đây.
Khi nhắc đến sự cần thiết của việc này, các cơ quan liên quan chỉ nói rằng, hy vọng đội ngũ giáo viên và hiệu trưởng các trường sẽ vận dụng kinh nghiệm của bản thân để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời thay đổi và khắc phục những điểm còn yếu kém. Ở mức độ nào, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nghề giáo dục đáng theo đuổi.
Tuy nhiên, việc này cũng gây tranh cãi, liệu mức lương có xứng đáng không? Bài toán về tính hợp lý trong việc sử dụng nguồn vốn được đặt ra. Với những khoản kinh phí lớn nếu không có nhà tài trợ sẽ ra sao? Sử dụng số tiền lớn để thu hút nhân tài phù hợp hơn hay đầu tư trực tiếp vào giáo dục sẽ tốt hơn. Ví dụ như hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, cập nhật thiết bị giảng dạy…
Sau thông báo tuyển dụng của Trường THCS Thương Nam nhiều người đặt câu hỏi về việc chi tiêu cho giáo dục. Phần kinh phí của trường đến từ quỹ Giáo dục Bỉnh Chính. Ngược lại, đối với những trường không có nhà tài trợ, việc thu hút nhân tài sẽ phải sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này, dẫn đến việc sử dụng vốn công lãng phí.
Theo Sina, việc chiêu mộ nhân tài bằng mức lương cao không nên chỉ là sức hút nhất thời. Cần thiết lập các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng và công khai kết quả cho xã hội, bao gồm hiệu quả giáo dục, môi trường giáo dục, thành tích học tập của học sinh,...
Lương giáo viên cao không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục như phân vùng học, luân chuyển giáo viên, bộ tiêu chí đánh giá và cân bằng nguồn lực… Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.
Hiện tại, việc các trường ở Trung Quốc chiêu mộ đội ngũ giáo dục mức lương cao vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận. Bài toán về việc sử dụng ngân sách cho giáo dục một cách hiệu quả và minh bạch vẫn chưa có lối thoát.