Tranh cãi về đánh bắt cá voi 'đe dọa' thỏa thuận thương mại

Tranh cãi về đánh bắt cá voi giữa Mỹ và Nhật Bản đang đe dọa thỏa thuận thương mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bất đồng này nổi lên chỉ một tuần trước khi Tổng thống Joe Biden đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại trại David ở bang Maryland.

Tàu cá đánh bắt một con cá voi ở một vùng biển ở Nhật Bản. Ảnh: Getty

Tàu cá đánh bắt một con cá voi ở một vùng biển ở Nhật Bản. Ảnh: Getty

Mỹ đang vướng vào cuộc tranh cãi về hoạt động đánh bắt cá voi của Nhật Bản, có thể đe dọa làm sụp đổ sáng kiến thương mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị đón tiếp thủ tướng của Nhật Bản và Hàn Quốc trong một hội nghị thượng đỉnh ba bên lịch sử tại Trại David vào tuần tới.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã yêu cầu Nhật Bản chấp nhận điều khoản chống săn bắt cá voi trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). IPEF là thỏa thuận thương mại giữa 14 quốc gia mà Tổng thống Biden giới thiệu ở Tokyo hồi năm ngoái trong nỗ lực chống lại sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Á.

Với thỏa thuận này, Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các nước thân thiện về các vấn đề bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh. IPEF nhằm lấp lỗ hổng về chiến lược hợp tác kinh tế giữa Mỹ và châu Á mà Mỹ để lại vào năm 2017 sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được thiết kế để kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ Trung Quốc.

Sức ép của Mỹ đã khơi mào sự giận dữ ở Tokyo. Một số quan chức tuyên bố Nhật Bản có thể từ bỏ một IPEF. Một quan chức cấp cao của nước này cho biết, Tokyo không coi đánh bắt cá coi là vấn đề gây tranh cãi và Nhật Bản sẽ không tham gia IPEF nếu thỏa thuận này bao gồm bất kỳ ngôn ngữ nào cấm săn bắt cá voi.

Vấn đề này cũng bộc lộ sự chia rẽ trong chính quyền Mỹ. Một số quan chức phản đối cách tiếp cận của USTR, theo một số nguồn theo tin.

Nhà Trắng và USTR từ chối bình luận. Noriyuki Shikata, phát ngôn viên của Văn phòng thủ tướng Nhật Bản, cho biết Tokyo cũng sẽ không bình luận vì các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Một nguồn thạo tin tiêt lộ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch loại bỏ điều khoản cấm đánh bắt cá coi vì sự phản đối của Nhật Bản.

Hoạt động đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại đã bị Ủy ban Đánh bắt cá voi quốc tế (IWC) cấm vào năm 1986. Trước đó, Nhật Bản đã lách lệnh cấm thông qua một điều khoản cho phép đánh bắt và giết mổ cá voi “vì mục đích nghiên cứu khoa học”. Động thái này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà bảo tồn và các thành viên khác của IWC.

Nhật Bản đã rút khỏi IWC vào năm 2019 và kể từ đó, chỉ cho phép đánh bắt cá voi bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ngành công nghiệp đánh bắt cá voi của Nhật Bản đã chật vật kiếm lợi nhuận vì không có trợ cấp cho mục đích nghiên cứu, trong khi thị hiếu của công chúng cũng thay đổi.

Đối với thế hệ người già ở Nhật Bản, thịt cá voi với giá trị dinh dưỡng cao và chi phí thấp, từng là thực phẩm chủ yếu trong các bữa ăn trưa tại trường học.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn nhạy cảm về mặt chính trị ở Tokyo, khiến một số quan chức Mỹ kêu gọi Washington nên tập trung vào việc đảm bảo đạt được IPEF và tránh các vấn đề đe dọa thỏa thuận này.

Christopher Johnstone, cựu chuyên gia về Nhật Bản của chính phủ Mỹ hiện làm việc tại tổ chức tư vấn CSIS, cho biết logic của việc đưa các hạn chế đối với hoạt động săn bắt cá voi vào IPEF bị hoài nghi. Hầu hết các đối tác của Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản ủng hộ IPEF vì muốn có sự tham gia kinh tế của Mỹ trong khu vực.

“Sử dụng IPEF để tìm kiếm các hạn chế đối với việc đánh bắt cá voi là vô nghĩa và chỉ khiến Nhật Bản xa lánh. Nhật Bản là đối tác mà Washington cần hơn bất kỳ đối tác nào khác nếu muốn IPEF tạo ra hiệu quả”, ông nói.

Nhật Bản và các nước khác đang ủng hộ IPEF một phần vì hy vọng điều này sẽ dẫn đến việc Mỹ quay trở lại TPP. Một nguồn tin cho biết. USTR ban đầu muốn chèn vào IPEF nội dung dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn hoạt động săn bắt cá voi. Sau đó, USTR đã làm dịu lập trường nhưng Nhật Bản vẫn kiên quyết không ủng hộ một thỏa thuận đặt ra bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động đánh bắt cá voi.

“Tôi có một chút ngạc nhiên khi Mỹ đặt vấn đề đánh bắt cá voi lên bàn đàm phán trong khi lại cần sự ủng hộ hoàn toàn của Nhật Bản để giúp đạt được kết quả thành công cho IPEF vào tháng 11 tới” Wendy Cutler, cựu nhà đàm phán hàng đầu của USTR, hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách hiệp hội châu Á nói.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tổ chức tại San Francisco (Mỹ) vào cuối năm 2023 được chọn là thời hạn mục tiêu dự kiến mà các bên hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán IPEF.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tranh-cai-ve-danh-bat-ca-voi-de-doa-thoa-thuan-thuong-mai/