Tranh cãi về tài khoản 'tạm khóa báo có', ngân hàng nói gì?
Trước những xôn xao về tài khoản 'tạm khóa báo có', một số chuyên gia tài chính, ngân hàng có cách giải thích rất khác nhau về vấn đề này.
Mới đây, trong một chia sẻ trực tiếp, một nữ đại gia tại Bình Dương đã lên tiếng “tố” một nữ ca sĩ hạng A sử dụng thủ thuật sao kê, bằng mánh khóe tài khoản ngân hàng “tạm khóa báo có”.
Nữ đại gia này giải thích, "tạm khóa báo có" không phải là đóng tài khoản. Tạm khóa báo có chỉ là một hình thức tạm thời kích hoạt chức năng "ghi có" vào tài khoản của khách hàng".
Vietcombank nói gì về tài khoản tạm khóa báo có?
Sau vài ngày thông tin về tài khoản tạm khóa báo có gây “bão” trên mạng xã hội, tối 22/9, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có lời giải thích về sự việc này.
Một sô chuyên gia ngân hàng có cách giải thích rất khác nhau về vấn đề này.
Theo Vietcombank, tại Điều 16, Thông tư 23, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định:
“Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.
Do đó, "tạm khóa báo có tài khoản" được hiểu là việc Ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng.
Nếu tài khoản được khóa toàn bộ cả 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc tài khoản được khóa chiều ghi có, thì số tiền người khác chuyển vào tài khoản này sẽ không được ghi có vào tài khoản và được hoàn trả cho người chuyển tiền.
Đối với các trường hợp tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng, tài khoản sẽ không ghi có bất cứ giao dịch nào kể từ thời điểm ngân hàng thực hiện khóa chiều ghi có theo yêu cầu của khách hàng.
Đối với các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank và chuyển tiền nhanh 24/7 ngoài hệ thống qua Napas, hệ thống hiển thị thông báo cho khách hàng và chặn không cho thực hiện giao dịch.
Đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước và các giao dịch chuyển đến từ nước ngoài, khi Vietcombank nhận được các giao dịch chuyển đến này sẽ thực chuyển trả lại ngân hàng chuyển, để ngân hàng chuyển tiền trả lại người chuyển tiền.
Thời gian xử lý giao dịch tuân thủ theo quy định của ngân hàng Nhà nước, giao dịch qua IBPS và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, một chuyên gia ngân hàng cho biết, phân tích lời giải thích của Vietcombank, có thể thấy, ngân hàng này phủ định các ý kiến của vị nữ đại gia Bình Dương.
“Theo lời giải thích của Vietcombank, có thể hiểu rằng, khi khách hàng báo khóa toàn bộ cả 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc tài khoản được khóa chiều ghi có, nếu có người chuyển tiền vào, ngân hàng sẽ hoàn trả lại”, vị này cho biết.
Đồng tình với nhận định này, LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội nhìn nhận: Đối với các tài khoản ngân hàng, nếu khách hàng đã thông báo với ngân hàng là đóng tài khoản thì đương nhiên tài khoản đó sẽ ở trạng thái không hoạt động và sẽ không thể gửi tiền vào đó được nữa.
“Bởi vậy, để xác định là số tiền có còn chuyển vào tài khoản đó hay không sau khi chủ tài khoản tuyên bố đóng tài khoản thì cần thực hiện thủ tục sao kê tài khoản đó tại ngân hàng, yêu cầu ngân hàng cung cấp đầy đủ các thông tin về tài khoản đó thì sẽ biết là tài khoản đó có thực sự đã đóng hay chưa”, ông Cường nói.
Tranh cãi về tài khoản tạm khóa báo có
Tuy nhiên, chia sẻ trên báo chí, một nhân viên của ngân hàng Vietinbank lại phân tích theo chiều ngược lại. Vị này nói, tạm khóa báo có là hình thức tạm khóa tài khoản 1 phần, nghĩa là tài khoản ấy sẽ không nhận được bất kì giao dịch nhận tiền nào trong thời gian tạm khóa.
Tuy nhiên, người khác vẫn chuyển tiền vào tài khoản đó được và tiền chuyển đó sẽ được lưu giữ trong 1 tài khoản trung gian (tài khoản phụ) cho đến khi tài khoản chính mở khóa thì tiền từ tài khoản trung gian sẽ tự động chuyển vào tài khoản chính.
Trên thực tế, những nghiệp vụ này được Ngân hàng Nhà nước quy định rất rõ ràng và chặt chẽ tại các văn bản quy định về thanh toán của hệ thống.
Vị này cho biết, theo Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán, khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Nhân viên của Vietinbank cũng cho biết, khi tài khoản tạm khóa báo có, tài khoản này sẽ không thể nhận được tiền chuyển vào cho đến khi mở trở lại.
Trong thời gian tài khoản đang trong trạng thái "tạm khóa báo có", người khác chuyển tiền vào tài khoản này sẽ không ghi có vào tài khoản mà bị treo lên và sẽ được hoàn về tài khoản người chuyển có thể trong ngày hoặc vài ngày tùy thuộc vào từng ngân hàng nếu chủ tài khoản không đồng ý nhận.
Tuy nhiên nếu chủ tài khoản đồng ý nhận thì có thể mở khóa ra để nhận. Ngoài ra, khi Ngân hàng quản lý tài khoản nhận được báo có tiền về cũng sẽ chủ động liên hệ với khách hàng để thông báo về các khoản tiền này.
Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong thời gian tạm khóa báo có, chủ tài khoản vẫn được phép chuyển tiền/rút tiền bình thường.
Theo Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về Hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Điều 16. Tạm khóa tài khoản thanh toán
1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
2. Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán (hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.