Tranh cãi về xu hướng sử dụng AI trong sáng tạo văn học
Nhà xuất bản Tor Books đang bị chỉ trích vì sử dụng bìa sách do AI vẽ nên, còn tác giả nghiệp dư Ammaar Reshi cũng vấp phải nhiều phàn nàn khi dùng AI sáng tác truyện thiếu nhi.
Ngày càng nhiều tác giả, nhà xuất bản sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong việc thiết kế bìa sách, thậm chí cả sáng tác nội dung. Trong khi việc ứng dụng công nghệ này có thể coi là một bước tiến mới thì đây cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi của các chuyên gia về công nghiệp sách tạo.
Hai tác phẩm mới nhất lọt vào tâm điểm
Nhà xuất bản tại Mỹ Tor Books, nơi nổi tiếng về việc ra mắt cuốn Eragon của Christopher Paolini, đang vấp phải nhiều chỉ trích sau khi tuyên bố sử dụng một trang bìa sách có thể do AI vẽ ra. Tâm điểm của tranh cãi này chính là bìa cuốn sách mới Fractal Noise của Christopher Paolini.
Trước đó, Tor Books, trực thuộc tập đoàn xuất bản Tor Publishing Group, không nhận thức được tấm ảnh bìa được họ cấp phép “có thể là do AI sáng tạo ra”. Và hiện tại, họ vẫn sẽ dùng trang bìa này.
Trong khi đó, Ammaar Reshi, một giám đốc thiết kế sản phẩm tại San Francisco, Mỹ, cũng đã trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp sáng tạo khi cho ra mắt một cuốn sách thiếu nhi chỉ trong vòng vài ngày với sự hỗ trợ của phần mềm AI ChatGPT.
Không cần dùng đến bút và giấy, cuốn sách 12 trang Alice and Sparkle của Ammaar thậm chí còn được đem bán trên Amazon và trở thành một chủ đề lớn trên Twitter. Trong vòng 10 ngày từ 4/12 đến 14/12, Reshi đã bán được khoảng 70 bản trên Amazon, kiếm được tiền bản quyền gần 200 USD.
Reshi đã lấy dữ liệu trò chuyện của anh với ChatGPT về một cô gái trẻ tên là Alice, chuyển văn bản này sang dạng hình ảnh thông qua công cụ AI Midjourney mới ra mắt. “Ai cũng có thể sử dụng những công cụ này. Chúng dễ tiếp cận và cũng không khó sử dụng”, Reshi chia sẻ với trang TIME về việc sáng tạo cuốn sách.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, AI đang ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Các phần mềm sáng tạo sử dụng AI, thậm chí các công cụ trò chuyện do AI cung cấp cũng đang ngày càng trở nên phổ biến và dần được sử dụng miễn phí. Hiện tại, một số công ty và thương hiệu đang chọn công nghệ AI thay vì thuê các nghệ sĩ. San Francisco Ballet đã sử dụng những hình ảnh do Midjourney tạo ra để quảng cáo cho việc sản xuất những chiếc kẹp hạt dẻ mùa đông.
Shudu Gram, một người mẫu thời trang ảo cũng đang đại diện cho nhiều thương hiệu, trong đó có Louis Vuitton. Và tại các câu lạc bộ hài kịch, AI cũng đang được sử dụng để mang đến những câu chuyện cười độc thoại.
Tranh luận về đạo đức nghệ thuật
Trong khi công chúng kinh ngạc với khả năng sáng tạo văn học và nghệ thuật của AI thì các tác phẩm trên cũng dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức của nghệ thuật do AI tạo ra. Nhiều người cho rằng công nghệ này đang lạm dụng sự sáng tạo của các nghệ sĩ và những người sáng tạo khi sử dụng tác phẩm của họ làm dữ liệu nguồn, đồng thời gia tăng nguy cơ thay thế các nghệ sĩ này trong tương lai.
Các phần mềm sáng tạo như Midjourney đang sử dụng bộ dữ liệu gồm hàng triệu hình ảnh tồn tại trên Internet, sau đó thiết kế các thuật toán để nhận dạng các nguyên mẫu trong những hình ảnh đó và tạo ra những hình ảnh mới.
Như vậy, mọi nghệ sĩ đăng tải tác phẩm lên mạng đều có thể bị thuật toán sử dụng mà không cần sự đồng ý của họ. Một ví dụ rõ ràng là tác phẩm của các nghệ sĩ như Greg Rutkowksi và Makoto Shinkai đang là những gợi ý phổ biến trên một số trình duyệt sáng tạo nghệ thuật dựa trên AI. Nhiều người cho rằng đây là một hình thức đạo văn công nghệ cao và có thể đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của các nghệ sĩ trong tương lai gần.
Dòng tweet ban đầu của Reshi quảng bá cho cuốn sách đã nhận được hơn 6 triệu lượt tương tác và 1.300 lượt trả lời, nhiều trong số đó đến từ các họa sĩ minh họa. Họ tuyên bố rằng các nghệ sĩ nên được trả tiền nếu tác phẩm của họ được AI sử dụng.
Michelle Jing Chan, một họa sĩ vẽ tranh minh họa cho sách thiếu nhi, cho biết: “Để bảo vệ quyền và tài sản của các nghệ sĩ, cần phải có quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật làm dữ liệu nguồn cho các thuật toán AI. Các nghệ sĩ nên được đền bù xứng đáng khi tác phẩm của họ được sử dụng trong việc thiết kế các thuật toán”.
Adriane Tsai, cũng là một họa sĩ minh họa sách thiếu nhi, cho biết thêm: “Vấn đề chính đối với tôi về AI là nó được phát triển dựa trên tác phẩm của các nghệ sĩ. Đó là sáng tạo của chúng tôi, phong cách riêng biệt của chúng tôi và do chúng tôi đã tạo ra. Trong khi đó, chúng tôi chưa đồng ý cho việc sử dụng các tác phẩm này”.
Bên cạnh đó, nhiều nhà sáng tạo cũng đang lo lắng về tương lai của chính họ, tự hỏi liệu mọi người có trả tiền cho họ hay không khi AI có thể tạo ra các sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn nhiều.
Nhà văn Xiran Jay Zhao đã lên tiếng chỉ trích động thái của Tor Books và nói rằng điều này đang tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm”. Và tác giả Abraham Josephine Riesman cũng đồng tình rằng: “Là một người kiếm tiền và tìm thấy niềm vui khi viết lách, tôi rất lo lắng khi thấy mọi người hướng đến những lựa chọn thay thế rẻ tiền hơn. Trong khi đó, công việc viết lách vốn đã là một trong những nghề được trả lương thấp nhất”.
Chia sẻ những lo ngại này, Reshi đã kêu gọi những người tạo ra các công cụ AI tìm cách đảm bảo lợi ích cho các nghệ sĩ và tác giả có tác phẩm được đưa vào kho dữ liệu của AI. “Tôi nghĩ rằng có mối quan ngại thực sự về vấn đề này. Tôi lắng nghe những nghệ sĩ đó và điều quan trọng là ngành công nghệ phải giải quyết chúng”, Reshi chia sẻ.
Tuy nhiên, với tác phẩm của Reshi, có thể thấy công nghệ AI không hề hoàn hảo. Các bức hình do AI vẽ ra còn có một số vấn đề: Một số ngón tay trông giống như móng vuốt, một số vật thể lạ vẫn trôi nổi và bóng đổ bị thiếu ở một số khung hình. Thông thường, các hình minh họa trong sách dành cho trẻ em phải trải qua nhiều vòng sửa đổi. Tuy nhiên, với tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra trên Midjourney, sau khi người dùng nhập một loạt từ thì phần mềm sẽ cho ra các bức hình chỉ vài giây sau đó.
Như vậy, dù trong tương lai AI có thể trở thành một phần không thể thiếu trong quy trình sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, như nhận định của nhà văn Paolini, thì công việc sáng tạo vẫn là một trong nhiều khía cạnh của cuộc sống cần sự tham gia trực tiếp của con người và mang đậm bản sắc riêng của từng nghệ sĩ.