Tranh cãi việc ăn chay trong trường học ở Hàn Quốc
Theo Văn phòng GD thủ đô Seoul (SMOE), bữa ăn tại các trường học tham gia sẽ có các lựa chọn không có thịt như một phần của GD sinh thái.
Trong nỗ lực nhằm thân thiện hơn với môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, Văn phòng GD của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã được thiết lập để giới thiệu thêm thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong bữa ăn học đường tại trường tiểu học, THCS và THPT.
Bữa ăn không thịt
Ở một số tỉnh như Busan và Gwangju, thịt được đưa ra khỏi thực đơn một ngày trong tuần, dẫn đến phản ứng trái chiều từ nhiều bậc phụ huynh và các nhà GD.
Việc đưa ăn chay vào bữa ăn học đường có bảo đảm về dinh dưỡng đối với HS đang lớn là vấn đề khiến phụ huynh lo lắng.
Giám đốc của SMOE ở Seoul, ông Cho Hee-yeon cho biết: “Mặc dù ngày càng nhiều HS chọn bữa ăn chay khi nhận ra các vấn đề về sức khỏe và khủng hoảng môi trường, nhưng bữa ăn ở trường học vẫn chủ yếu là thịt mà không có lựa chọn dựa trên thực phẩm. Chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể dẫn đến các yếu tố bất bình đẳng và vi phạm nhân quyền”.
Ông cho biết thêm: “Việc giới thiệu hệ thống bữa ăn chay chọn lọc nằm trong kế hoạch phát triển trung và dài hạn cho GD chuyển đổi sinh thái của chúng tôi. SMOE có kế hoạch thành lập một nhóm nghiên cứu trong tương lai gần, chủ yếu là các chuyên gia dinh dưỡng để đối chiếu các trường hợp trong nước và quốc tế, nhằm đưa ra hướng dẫn cho bữa ăn chay”.
Văn phòng GD trên sẽ tiến hành khảo sát để lựa chọn các trường có tỷ lệ phụ huynh, HS và GV đồng ý với kế hoạch và cho thử nghiệm bữa ăn thay thế trước khi mở rộng hệ thống.
Lợi ích cho môi trường
Lựa chọn ăn chay trong các bữa ăn tại các cơ sở GD là một vấn đề nổi lên trong các chiến dịch bầu cử từ ngày 15/4 với sự ủng hộ của các đảng phái cấp tiến như đảng Xanh Hàn Quốc và đảng Công lý.
Đảng Xanh thậm chí gửi kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp về “quyền lựa chọn chế độ ăn chay” vào ngày 6/4. Họ lập luận rằng, quyền cơ bản của HS đang bị vi phạm vì quy định về bữa ăn học đường hiện hành không tính đến người ăn chay khi các nhà dinh dưỡng đưa ra nghiên cứu về lợi ích của nó.
Những người ủng hộ ăn chay trong học đường cho rằng, ăn chay là cần thiết để bảo vệ môi trường. Họ nhấn mạnh, do khí thải nhà kính từ ngành chăn nuôi chiếm khoảng 14% tổng lượng khí thải, nên cần phải giảm tiêu thụ thịt để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và phát triển thói quen ăn uống thân thiện với môi trường.
Bà Lee Chae-young, mẹ của một HS tiểu học ở Mok-dong, Tây Nam Seoul cho biết: “Tôi không nghĩ rằng các cơ quan quản lý GD sẽ cung cấp đủ nhân công để chuẩn bị bữa ăn chay ở mỗi trường học. Cuối cùng, chất lượng của tất cả các bữa ăn cho HS có thể bị giảm sút”.
Bà Lee - một người ăn chay đã 14 năm nay cho biết, bà đã dạy cho con gái về những lợi ích của việc ăn chay từ khi cô bé còn là HS tiểu học.
“Con gái tôi chưa ăn chay nhưng tôi hy vọng con sẽ được cung cấp các lựa chọn nếu một ngày nào đó con quyết định trở thành người ăn chay”, bà Lee nói.
Những người khác cho rằng, HS muốn có chế độ ăn chay nên được cung cấp lựa chọn, cho dù vì mục đích bảo vệ môi trường, tín ngưỡng hay sức khỏe của họ.
Những lo ngại
Cũng có nhiều người phản đối gay gắt việc ăn chay ở trường học, trong đó có quan điểm từ lĩnh vực dinh dưỡng. Một số người nói rằng không nên khuyến khích trẻ em đang lớn ăn các bữa không có thịt.
Đây cũng là một thách thức đối với những người quản lý bữa ăn học đường. Ngay cả khi việc giới thiệu các bữa ăn chay chọn lọc được áp dụng rộng rãi, các vấn đề quản lý khác nhau có thể nảy sinh trong quá trình lấy nguyên liệu và chuẩn bị riêng cho một số ít HS.
Giáo sư ngành khoa học sức khỏe Lim Kyung-sook của ĐH Suwon (Hàn Quốc) cho biết: “Điều này có thể khó khăn vì các trường sẽ phải quản lý nguyên liệu cho bữa ăn chay một cách riêng biệt.
“Để tự mình quyết định ăn chay, HS cần nhận thức rõ ràng và đánh giá được những mặt lợi và hại của việc ăn chay. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng với những HS còn nhỏ tuổi”, ông cho biết.
Liên đoàn Ăn chay Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Văn phòng GD, đồng thời kêu gọi loại bỏ hoàn toàn thịt khỏi tất cả bữa ăn học đường ở mọi trường học ít nhất một lần một tuần. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau trong và ngoài ngành GD, nhưng SMOE vẫn chưa đưa ra một kế hoạch chi tiết.
Trước khi công bố chính sách, phòng GD cũng không lấy ý kiến của phụ huynh hay tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng. Một quan chức tại SMOE cho biết: “Vì nó là một kế hoạch dài hạn nên nó sẽ không được thực hiện lấy ý kiến ngay”.
Ăn chay ở Hàn Quốc đang có xu hướng gia tăng. Theo Liên minh Ăn chay Hàn Quốc, số người ăn chay ở đây tăng gấp 10 lần trong 8 năm (2008 – 2016), từ 150.000 lên 1.500.000. Tuy nhiên, ăn chay nghiêm ngặt ở Hàn Quốc vẫn không phải là việc dễ dàng.
Rau có rất nhiều trong ẩm thực Hàn Quốc nhưng hầu hết các món ăn đều bao gồm một số loại cá hoặc sản phẩm động vật. Ví dụ, kim chi thường được làm với tôm lên men, đậu phụ hầm với hải sản và thậm chí cơm trộn bibimbap đôi khi có thịt bò.