Tranh cãi việc người trẻ thực tập không lương

Việc thực tập không lương từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong sinh viên và các bạn trẻ mới ra trường. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tuyển dụng thực tập sinh mà không có bất kỳ hỗ trợ tài chính nào, câu hỏi đặt ra là: Đây là cơ hội học hỏi hay chỉ đơn thuần là hình thức lợi dụng sức lao động?

Thực tập không lương để lấy...kinh nghiệm

Ngọc Minh, sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh tại Hà Nội, chia sẻ về quãng thời gian 2 tháng thực tập tại một công ty xuất nhập khẩu. Minh cho biết, công việc chủ yếu của cô nàng là xử lý các đơn hàng, làm báo cáo tồn kho và thỉnh thoảng hỗ trợ các bộ phận khác. Dù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và đầu tư thời gian, Ngọc Minh lại không nhận được bất kỳ khoản phụ cấp nào từ doanh nghiệp.

Ngọc Minh cho biết không nhận được lương và phụ cấp từ doanh nghiệp khiến bản thân bị mất động lực cố gắng và phí thời gian. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Minh cho biết không nhận được lương và phụ cấp từ doanh nghiệp khiến bản thân bị mất động lực cố gắng và phí thời gian. (Ảnh: NVCC)

“Ban đầu mình nghĩ đi thực tập với tâm thế học hỏi. Nhưng khi phải tự lo chi phí đi lại, ăn trưa, mình bắt đầu cảm thấy áp lực, nhất là tần suất làm việc giống như một nhân viên chính thức,” Minh bày tỏ.

Nữ sinh cho hay thực tế, những sinh viên đi thực tập sẽ không đặt nặng việc có lương vì vẫn đang trong quá trình học hỏi, sẵn sàng đánh đổi một vài tháng để có kinh nghiệm. Nhưng đấy là trong trường hợp phải học được thứ gì đó từ doanh nghiệp hoặc có người hướng dẫn chất lượng.

“Mình được hứa hẹn sẽ được tham gia các dự án lớn, nhưng thực tế chỉ toàn làm công việc giấy tờ nhàm chán, đi làm như nhân viên chính thức, không lương, không phụ cấp khiến mình mất động lực cố gắng và thấy phí thời gian", Hương nói thêm.

Tương tự với Ngọc Minh, Hoàng Hải (23 tuổi, Đồng Nai), cử nhân mới tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại TP.HCM, không giấu được cảm giác thất vọng khi nhớ lại kỳ thực tập kéo dài 3 tháng tại một công ty tư nhân.

“Khi nhận được thông báo thực tập, mình rất háo hức vì nghĩ rằng đây là cơ hội để cọ xát thực tế và học hỏi thêm kỹ năng. Ban đầu, mình không quá bận tâm đến chuyện lương bổng, vì mục tiêu của mình là tích lũy kinh nghiệm và làm đẹp CV,” Hải kể lại.

Tuy nhiên, mọi chuyện không như chàng trai người Đồng Nai tưởng tượng. Trong suốt thời gian thực tập, Hải thường xuyên phải làm việc từ 8h sáng đến 6h tối, thậm chí có những ngày công việc kéo dài đến tận 9h tối khi công ty có nhiều công việc cần xử lý gấp.

“Công việc chủ yếu của mình là nhập liệu, kiểm tra hóa đơn và hỗ trợ bộ phận tài chính. Dù là công việc cơ bản nhưng khối lượng rất lớn, đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ. Nhưng dù có làm việc bao nhiêu giờ đi nữa, mình cũng không nhận được một đồng hỗ trợ nào từ phía công ty,” Hải chia sẻ.

Hải cho biết nhiều công ty tuyển thực tập sinh chủ yếu để làm những công việc lặt vặt, mang tính thời vụ nhưng lại trên danh nghĩa là tạo điều kiện cho thực tập sinh lấy kinh nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Hải cho biết nhiều công ty tuyển thực tập sinh chủ yếu để làm những công việc lặt vặt, mang tính thời vụ nhưng lại trên danh nghĩa là tạo điều kiện cho thực tập sinh lấy kinh nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Ngoài việc không được trả lương, Hải còn cảm thấy áp lực khi phải tự chi trả mọi chi phí liên quan đến công việc. Từ tiền xăng xe, gửi xe đến tiền ăn trưa, mỗi tháng anh phải bỏ ra gần 3 triệu đồng để có thể duy trì kỳ thực tập.

“Có lần mình hỏi HR về việc công ty có hỗ trợ chi phí đi lại hay không, thì nhận được câu trả lời khá thẳng thừng: ‘Chúng tôi đang tạo cơ hội cho bạn học hỏi, lấy kinh nghiệm, bạn cần phải biết tận dụng cơ hội này’", Hải bộc bạch.

Chàng trai 23 tuổi cho biết thêm, không chỉ anh mà nhiều bạn bè cùng ngành cũng gặp phải tình trạng tương tự khi thực tập tại các công ty khác.

“Nhiều công ty tuyển thực tập sinh chủ yếu để làm những công việc lặt vặt, mang tính thời vụ nhưng lại trên danh nghĩa là tạo điều kiện cho thực tập sinh lấy kinh nghiệm. Đôi khi, mình có cảm giác chúng mình chỉ là ‘chân sai vặt’ chứ không phải nhân sự cần được đào tạo,” anh chia sẻ.

Trái với những chỉ trích về việc thực tập không lương, một số bạn trẻ lại cho rằng đây là cơ hội quý báu để sinh viên tích lũy kinh nghiệm.

Phương Anh, sinh viên năm 3 chuyên ngành Marketing, nhận xét: “Mình không nghĩ thực tập không lương là vấn đề lớn nếu như công ty thật sự mang lại giá trị học hỏi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần minh bạch từ đầu để sinh viên biết được họ sẽ nhận lại gì sau kỳ thực tập.”

Cần minh bạch quyền lợi và trách nhiệm đối với thực tập sinh

Th.S Nguyễn Mai Lan, Trưởng phòng nhân sự tại Công ty Cổ phần One Mount cho rằng: “Việc trả lương cho thực tập sinh hay không phụ thuộc vào ngân sách và quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu thực tập sinh thực sự tạo ra giá trị, doanh nghiệp nên có chính sách thưởng hoặc hỗ trợ. Điều này không chỉ khích lệ các bạn mà còn giúp giữ chân nhân tài sau kỳ thực tập,” chị phân tích.

Th.S Nguyễn Mai Lan nhấn mạnh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và thực tập sinh cần được nhìn nhận trên góc độ tự nguyện, nơi cả hai bên đều có lợi ích và trách nhiệm tương xứng.

“Không thể khẳng định rằng doanh nghiệp phải trả lương thì sinh viên mới thực tập, hay thực tập sinh không cần lương chỉ để lấy kinh nghiệm. Điều quan trọng là phải đánh giá việc thực tập dựa trên giá trị mà cả hai bên nhận được, bao gồm những đóng góp cho doanh nghiệp và những bài học, kỹ năng mà thực tập sinh có được,” chị chia sẻ.

Chuyên gia nhấn mạnh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và thực tập sinh cần được nhìn nhận trên góc độ tự nguyện giữa hai bên. (Ảnh minh họa bởi AI)

Chuyên gia nhấn mạnh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và thực tập sinh cần được nhìn nhận trên góc độ tự nguyện giữa hai bên. (Ảnh minh họa bởi AI)

Mặc dù mang lại lợi ích cho cả hai bên, quá trình thực tập cũng tiềm ẩn những khó khăn và rủi ro nhất định đối với cả doanh nghiệp và thực tập sinh.

Từ góc độ doanh nghiệp, việc tiếp nhận thực tập sinh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đào tạo, hướng dẫn và quản lý. Không chỉ vậy, nếu không có các cam kết bảo mật rõ ràng, doanh nghiệp còn đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin nội bộ khi thực tập sinh tiếp cận các tài liệu quan trọng.

Về phía thực tập sinh, nếu doanh nghiệp không giao phó công việc cụ thể hoặc thiếu người hướng dẫn bài bản, các bạn sẽ cảm thấy lãng phí thời gian và công sức mà không thu được nhiều giá trị thực tế. Điều này có thể khiến công ty khó thu hút được nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng. Đồng thời, thực tập sinh khi không nhận được sự đãi ngộ phù hợp sẽ thiếu động lực làm việc và không gắn bó với công việc được giao.

“Doanh nghiệp cần hiểu rằng, thực tập sinh tuy chưa có kinh nghiệm, nhưng họ cũng đóng góp sức lao động và ý tưởng sáng tạo. Vì vậy, nếu doanh nghiệp quyết định tuyển thực tập sinh, việc hỗ trợ một khoản lương hoặc phụ cấp nhỏ là cần thiết, tùy vào năng lực tài chính và quy mô của công ty,” chị Lan bày tỏ.

Chị gợi ý, để khuyến khích thực tập sinh nỗ lực hơn, các doanh nghiệp có thể triển khai chính sách khen thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc. Điều này không chỉ thúc đẩy tinh thần làm việc của thực tập sinh mà còn giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa tiềm năng từ đội ngũ lao động trẻ.

Thực tập không lương vẫn sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi khi mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Tuy nhiên, để tránh xảy ra mâu thuẫn và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, doanh nghiệp cần minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm của thực tập sinh.

"Thực tập không lương vẫn sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi khi mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Tuy nhiên, để tránh xảy ra mâu thuẫn và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, doanh nghiệp cần minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm của thực tập sinh", chị kết luận.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tranh-cai-viec-nguoi-tre-thuc-tap-khong-luong-post1702708.tpo