Tranh chấp chung cư có dấu hiệu tăng và thành điểm nóng tại TP.HCM
Tranh chấp giữa Ban quản lý và các cư dân chung cư có dấu hiệu gia tăng, đang trở thành vấn đề nóng trên địa bàn TP.HCM.
Sáng 7/7, kỳ họp thứ sáu, HĐND TP.HCM khóa X bước vào ngày họp thứ hai với phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân về chiến lược phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu chất vấn tại kỳ họp
Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch MTTQ TP.HCM) thông tin, hiện nay, vấn đề tranh chấp giữa các cư dân chung cư và Ban quản lý đang có dấu hiệu tăng? Sở Xây dựng có những giải pháp gì đảm bảo tính hài hòa cho vấn đề này để không tạo điểm nóng về an ninh trật tự?
Trả lời thằng vấn đề, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận mâu thuẫn tranh chấp tại các chung cư đang là vấn đề nóng trên địa bàn Thành phố; xuất phát từ mâu thuẫn về các điều kiện sống, chi phí vận hành …
Tranh chấp diễn ra tại một chung cư trên địa bàn TP.HCM
Theo ông Quân, qua thống kê của Sở, thời gian qua có khoảng 16 chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.
Để giải quyết các tranh chấp này, ông Quân cho biết, trong tháng 6, Sở Xây dựng ban hành kế hoạch phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở TN-MT thành lập đoàn kiểm tra; tập trung rà soát tính pháp lý, các giao kết giữa hai bên, nhằm tham mưu cho UBND TP giải quyết căn cơ các tranh chấp này.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội
Trong chiến lược phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030, các đại biểu tập trung chất vấn nội dung nhà ở xã hội.
Các đại biểu đặt vấn đề, vì sao thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thường chậm và lâu hơn nhà ở thương mai? Vướng mắc nằm ở đâu và Sở Xây dựng có giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc này?
Một số đại biểu khác chất vấn vì sao tỷ lệ nhà ở xã hội, nhà ở và nhà lưu trú cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu thực tế….
Trao đổi lại, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân thông tin, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh, có 19 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, gấp 3,5 lần so với 5 năm trước.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân trả lời chất vấn
Nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, nhà ở phù hợp khả năng chi trả đã có sự tăng trưởng, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nhóm lao động có thu nhập thấp và nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Nguyên nhân theo ông Quân là chưa hút được nhà đầu tư, nhà ở xã hội có lợi nhuận thấp, thủ tục kéo dài…khiến DN ít lựa chọn.
Ngoài ra, TP cũng thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Theo ước tính, hàng năm TP.HCM có khoảng 130.000 người dịch chuyển về sinh sống và làm việc. Những lao động này đa phần chưa có khả năng tích lũy mua nhà, vì vậy nhu cầu thuê nhà rất lớn.
Tuy nhiên, phân khúc nhà cho thuê thiếu hụt, dẫn đến mất cân đối cung cầu, hệ lụy là một bộ phận công nhân phải thuê nhà trọ không đảm bảo tiêu chuẩn, chật hẹp, thiếu an toàn.
Để phát triển chương trình nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở và nhà lưu trú cho công nhân, ông Quân cho biết đã rà soát lại, tổng hợp tham mưu UBND TP rút ngắn các thủ tục đầu tư, nhằm thu hút DN, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xã hội.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng lên kế hoạch hỗ trợ các chủ nhà trọ cải tạo, xây dựng các khu nhà trọ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thuê trọ của công nhân.
Trước đó, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, UBND TP đã thống nhất quy trình thực hiện thủ tục đầu tư nhà ở xã hội rút gọn. Từ quy trình bình thường 500 ngày sẽ rút gọn xuống còn 133 ngày cho trường hợp đầu tư trên đất thuộc quyền sử dụng của DN; 217 ngày cho trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên đất sạch do Nhà nước quản lý.
Ông Mãi cho hay, việc rút gọn thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai, đạt được mục tiêu về chương trình nhà ở của TP.
Theo UBND TP.HCM, tổng nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 khoảng 5.239ha, trong đó nhu cầu nhà ở thương mại khoảng 4.788ha, nhu cầu nhà ở xã hội khoảng 451ha.
Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đến năm 2025 là 23,5m2/người, dự kiến tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 là 50 triệu m2 sàn.
Đến năm 2030 là 26,5m2/người và diện tích sàn tăng thêm giai đoạn 2026-2030 là 57,5 triệu m2 sàn. Về chỉ tiêu tối thiểu, TP phấn đấu đạt mức 10,0m2/người năm 2025 và 12,0m2/người năm 2030.
Về nhà ở thương mại, dự kiến phát triển thêm giai đoạn 2021-2025 khoảng 15,5 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 là 21,4 triệu m2 sàn.
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025 dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê khoảng 500.000m2 sàn, tương ứng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân đạt 220.000m2 sàn, tương ứng 4.500 căn hộ.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến khoảng 4,08 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 58.000 căn nhà. Trong đó, nhà cho thuê 11.600 căn hộ, nhà lưu trú công nhân 8.000 căn hộ.