Tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: Luật sư phía Sen Vàng lên tiếng
Luật sư phía Sen Vàng cho rằng những thông tin về quyền sở hữu tên gọi 'Hoa hậu Hòa bình Việt Nam' mà công ty Minh Khang cung cấp không chính xác và không thể hiện đúng bản chất của sự việc gây nên những cách hiểu chưa đúng.
Bà Phạm Kim Dung (trái) CEO công ty sen vàng lên tiếng về ồn ào tranh chấp bản quyền tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Ảnh: SV.
Vừa qua, vào 25.6, công ty Minh Khang (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace VN - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) công bố 2 văn bản gồm: Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho rằng, Công ty Sen Vàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Phản hồi lại thông tin trên, công ty Sen Vàng (đơn vị sở hữu Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình VN) vào chiều 28.6 đã có văn bản cho biết “những kết luận từ phía công ty Minh Khang nói công ty Sen Vàng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không chính xác, không khách quan và không thể hiện đúng bản chất của sự việc gây nên những cách hiểu chưa đúng”.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Điều lệ Tổ chức và hoạt động Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (ban hành kèm theo Quyết định số 1660/QĐ-BKHCN ngày 13 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn và đào tạo huấn luyện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Nói cách khác, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không phải là một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Về cách thức hoạt động, thủ tục giám định do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thực hiện là một hoạt động cung ứng dịch vụ và có thu phí dịch vụ giám định từ người yêu cầu, giống như hoạt động cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
(Điều 39 đến Điều 53 về giám định sở hữu trí tuệ tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP và các thông tin được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ trình bày tại website http://vipri.gov.vn/).
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng - Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam với tư cách là đại diện pháp lý của công ty Sen Vàng cho biết: “Kết luận giám định mà Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đưa ra theo yêu cầu giám định của người yêu cầu chỉ là kết quả cung ứng dịch vụ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ mà không phải là kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoàn toàn không có giá trị kết luận có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là hoàn toàn thiếu cơ sở, không chính xác và không khách quan. Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không đủ điều kiện để trở thành tài liệu tham khảo trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến tên gọi Hoa hậu Hòa bình VN”.
Trước đó, bà Phạm Kim Dung – Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng – đã công bố tác quyền đối với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Cục bản quyền tác giả cấp phép.
“Tôi khẳng định rằng, các cuộc thi có sử dụng tên gọi “Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam” mà không do Công ty Sen Vàng tổ chức không phải là cuộc thi nằm trong khuôn khổ của Cuộc thi Miss Grand International - Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế và sẽ không có chức năng chọn ra người đẹp đủ điều kiện để đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế (Miss Grand International)" - bà Phạm Kim Dung cho biết thêm.
Thùy Tiên là Hoa hậu đầu tiên đăng quang Miss Grand International. Ảnh: SV.
Đứng về phía trung lập, luật sư Nguyễn Anh Dũng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng chưa bàn đến việc công ty nào đúng sai trong vụ tranh chấp này, nhưng nếu một trong hai bên (Sen Vàng hoặc Minh Khang) chưa chứng minh được đầy đủ sự tương tự giữa dấu hiệu vi phạm và nhãn hiệu được bảo hộ thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250.000.000 đồng theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP).
Nếu người vi phạm là tổ chức, mức phạt có thể lên tới 500.000.000 đồng.