Tranh cổ động: Giá trị còn mãi

Trong dòng chảy hội họa nước ta, tranh cổ động có một vị trí đặc biệt quan trọng và luôn có giá trị với thời cuộc. Thông điệp thẳng thắn từ tranh cổ động đã đi vào lòng người và luôn được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Tranh cổ động xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động luôn bám sát các chiến dịch của bộ đội ta, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tới kháng chiến chống Mỹ, đề tài tranh cổ động đã được các họa sĩ Việt Nam triển khai trên phạm vi rất rộng, từ hậu phương đến tiền tuyến, cổ vũ các phong trào “người tốt, việc tốt”, ba sẵn sàng, ba đảm đang, tinh thần quả cảm và chiến công của bộ đội trên các chiến trường... Những bức tranh cổ động thời chiến gửi gắm thông điệp về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do cổ vũ tinh thần quân và dân ta vượt mọi khó khăn gian khổ để đến ngày thống nhất đất nước.

Thời bình, tranh cổ động tại Việt Nam vẫn có vị thế và giữ được vai trò trong ngành mỹ thuật, đời sống tinh thần. Những bức tranh cổ động về phòng chống tác hại rượu bia, ma túy; an toàn giao thông; về bảo vệ chủ quyền biển đảo, cổ vũ lao động sản xuất hoặc những tác phẩm tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện của đất nước vẫn đều đặn ra đời. Trên từng góc phố, con đường từ thành thị tới nông thôn; từ miền biên cương tới nơi đảo xa đều có những bức tranh cổ động hiện diện, vừa tô điểm thêm không gian sống, vừa lan tỏa thông điệp xây dựng, phát triển đất nước vì các giá trị văn minh, tiến bộ của xã hội...

Trên tờ báo Russkaya Vesna gần đây, tác giả Grigory Trofimchuk nhấn mạnh những bức tranh cổ động là vũ khí góp phần làm nên chiến thắng của Việt Nam trước “giặc COVID-19”.

Trên tờ báo Russkaya Vesna gần đây, tác giả Grigory Trofimchuk nhấn mạnh những bức tranh cổ động là vũ khí góp phần làm nên chiến thắng của Việt Nam trước “giặc COVID-19”.

Trong tác động của nghệ thuật nói chung, hiệu quả mang lại với công chúng thường gián tiếp, nhưng với tranh cổ động thường là trực tiếp, không ít trường hợp đem lại hiệu quả rất nhanh chóng. Điều này có được do ngôn ngữ biểu đạt của tranh cổ động thường súc tích, cô đọng, dễ hiểu. Bằng tài năng, lao động nghệ thuật, qua màu sắc, hình khối, chữ,... họa sĩ đưa ra thông điệp và thông điệp đó tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác người xem, làm hình thành cảm xúc thẩm mỹ, thẩm thấu vào suy nghĩ, góp phần dẫn đến chuyển biến về nhận thức và hành động.

Một dấu ấn về tranh cổ động thời gian qua, đó là đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, các họa sĩ ở nước ta đã thể hiện vai trò xung kích và vào cuộc ngay từ đầu. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh cả nước căng mình đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhiều bức tranh cổ động của các họa sĩ chuyên và không chuyên trên cả nước có tác dụng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân. Thông qua các bức tranh cổ động với thông điệp đẩy lùi COVID-19, đã tiếp nối ý nghĩa của dòng tranh đặc biệt này trong việc cổ vũ tinh thần đoàn kết, kết nối sức mạnh cộng đồng trong những thời điểm khó khăn. Một tinh thần quyết thắng “giặc COVID-19” của cả hệ thống chính trị đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an hay các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh đã hiện lên rõ nét trong các bức tranh cổ động thời COVID-19.

Liên quan đến câu chuyện này, mới đây, trên tờ báo Russkaya Vesna (Mùa xuân nước Nga) có đăng tải bài viết của tác giả Grigory Trofimchuk - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á - Âu của Nga. Tác giả Grigory Trofimchuk cho biết, dọc theo những con đường ở Hà Nội, bên ngoài các trường học, khu chung cư, những tường rào cơ quan, công viên... hay ở bất kỳ đâu có không gian, ông đều nhìn thấy những bức tranh cổ động. Chúng được treo một cách đơn giản, gần gũi và với nội dung được trình bày một cách giản dị, song lại tạo ra một bầu không khí hạnh phúc lạ thường.

Những bức tranh cổ động trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam thật sự đi vào lòng người, làm cho người dân thấy rõ sự quan trọng của những việc tưởng như bình thường gồm rửa tay, đeo khẩu trang nơi công cộng, tuân thủ giãn cách xã hội... Tất cả những việc làm nhỏ bé ấy đều thể hiện lòng yêu nước, thể hiện sự quan tâm, bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng. Ông Grigory Trofimchuk nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, tác động trực tiếp thị giác người dân, thông qua những bức tranh cổ động với nội dung gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp nhận bằng trực quan chính là bí quyết, là vũ khí góp phần làm nên thành công đáng tự hào của Việt Nam, quốc gia đến hiện tại không có ca tử vong vì mắc COVID-19.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tranh-co-dong-gia-tri-con-mai-n176344.html