Tranh của Mai Trung Thứ được đấu giá gần 12 tỷ đồng
Phiên đấu giá các bức tranh của họa sĩ châu Á diễn ra ngày 6/3 tại Paris, Pháp. Nhà đấu giá Aguttes chào bán 29 tác phẩm, trong đó nhiều bức của danh họa Việt Nam được bán ở mức giá cao.
Các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lương Xuân Nhị... cùng một số họa sĩ Việt Nam có tranh được bán ở phiên Họa sĩ châu Á - Tác phẩm chính của nhà đấu giá Aguttes.
Bức tranh Mẹ và con đang ngủ (1944) của Mai Trung Thứ được bán với giá cao nhất phiên 462.960 euro (11,7 tỷ đồng). Tranh vẽ trên lụa, được trang web của Aguttes giới thiệu là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của Mai Trung Thứ những năm 40 của thế kỷ 20. Ông cho thấy sự xuất sắc khi sử dụng mực và màu trên lụa.
"Sự dịu dàng của bố cục được nhấn mạnh bởi một bảng màu mềm mại và hài hòa. Mai Trung Thứ hoài niệm về truyền thống qua hình ảnh người mẹ trẻ ngồi xếp bằng và đứa con nằm cạnh. Nét duyên dáng và tinh tế của người phụ nữ được thể hiện qua tà áo dài...", nhà đấu giá miêu tả.
Trong phiên đấu giá, bức tranh khắc họa Ô Quan Chưởng ngày cận Tết của Lương Xuân Nhị được bán giá 104 nghìn euro (2,6 tỷ đồng). Trước đó, tranh được chào ở mức 80.000-120.000 euro.
Bức tranh mô tả cảnh người dân phố Ô Quan Chưởng tất bật sắm sửa chuẩn bị Tết. Họa sĩ sử dụng những dải màu nhẹ nhàng, nét vẽ tinh tế, tạo chiều sâu cho tác phẩm. Tranh được một nhà sưu tập tư nhân ở Hà Nội mua lại từ họa sĩ, sau đó tặng cho nhà sưu tập ở Pháp năm 1980.
Họa sĩ Lương Xuân Nhị say mê hội họa từ nhỏ. Hình ảnh phố xá, con người lao động cùng nét đẹp thanh tú của các cô gái Hà Thành xưa gắn bó với ông. Ông thành công cả ở những mảng đề tài khác như tranh thiên nhiên - đồng quê, phố xá...
Một số bức tranh khác được bán thành công ở phiên đấu giá gồm có: Bản làng dưới chân núi, Đàn cò bay trên rặng tre của Lê Thy, Người phụ nữ cầm quạt, Thiếu nữ bên hoa nhài (Mai Trung Thứ), Thiền (Lê Phổ)... Cả phiên đấu giá của Aguttes thu về hơn 1,5 triệu euro (gần 40 tỷ đồng).
Dự kiến, ngày 9/3, nhà đấu giá nổi tiếng của Pháp mở phiên Nghệ thuật châu Á, với hơn 200 vật dụng cổ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Khay trà trang trí hình rồng của Việt Nam (thế kỷ 19), hộp sắc phong thời nhà Nguyễn,... được chào bán.