Tranh dán giấy Trần Trung Sáng: Một cuộc chơi từ hoài niệm

Từ Ký ức Ga chợ Hàn đến Ký ức Chợ Cồn, rồi đến Pháo hoa Đà Nẵng..., trong tất cả 40 bức tranh dán giấy bày ra lần này là một mạch cảm xúc mà Trần Trung Sáng muốn gửi gắm tình yêu của mình với thành phố thân yêu bên sông Hàn thơ mộng. Ký ức phố phường là chủ đề của cuộc triển lãm kéo dài gần 10 ngày tại 81-Quang Trung, Đà Nẵng. Đó là ký ức của một thời trai trẻ bên những góc phố thân quen, đôi khi chỉ vài hình ảnh giản đơn, mộc mạc, thấp thoáng đâu đó giữa phố phường chật hẹp. Nhưng, biết đâu mạch nguồn cảm xúc ấy lại khởi nguồn từ không gian sống và ký ức của phố cổ Hội An, nơi anh sinh ra, nơi nhà văn Trần Trung Sáng lưu giữ đậm đà những mảng màu rất Faifo còn đọng lại trong tâm hồn thời thơ trẻ. Hoài cổ về một thời cũng là cách trở về nguồn cội, đó cũng là chất xúc tác để Trần Trung Sáng thể hiện mình không chỉ trong tranh dán giấy mà trong nhiều loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật của mình.

Những tác phẩm của Trần Trung Sáng trưng bày tại Triển lãm: Mèo và trăng xanh, Ký ức chợ Cồn, Ga chợ Hàn.

Những tác phẩm của Trần Trung Sáng trưng bày tại Triển lãm: Mèo và trăng xanh, Ký ức chợ Cồn, Ga chợ Hàn.

Thực ra, tôi chưa nghe ai nói Trần Trung Sáng là họa sĩ cả, cho dù cách đây 20 năm, Đà Nẵng với nhiều hoạt động nghệ thuật sôi động, hấp dẫn, đặc biệt thời ấy triển lãm tranh là một sự kiện thu hút giới trí thức của thành phố này. Nhưng ngay từ hồi đó, Trần Trung Sáng đã bày phòng tranh "Nhân vật và sự kiện" bằng một bút pháp riêng, mới lạ. Đó là tranh dán giấy. Triển lãm đã gây ấn tượng mạnh đến sau mấy chục năm vẫn còn nhiều người gọi anh là "Sáng dán giấy". Trần Trung Sáng chọn bút pháp tranh dán giấy bằng chất liệu tổng hợp, những dòng chữ mực in trên báo kết hợp với sự tinh xảo trong xé dán và phối màu, để ý tưởng của nhà văn tuôn chảy mạch nguồn cảm xúc trong tranh nồng nàn chân thực, đậm đà hơi thở cuộc sống.

Nghệ thuật tranh dán giấy tuy hiếm nhưng cũng không mới lạ. Ở Việt Nam trước đây có nhiều người sáng tác tranh xé dán (collage art), nhưng sau này còn rất ít người theo đuổi. Họ đã từng sử dụng vật liệu đơn sơ gắn liền với sinh hoạt hằng ngày mang đậm hơi thở cuộc sống để tạo nên những bức tranh bằng một thứ ngôn ngữ lạ. Vài ngày trước khi tổ chức cuộc triển lãm này, Trần Trung Sáng trò chuyện với tôi: "Bức tranh mình thích nhất là Ký ức Ga chợ Hàn, bởi đó có thể là một nơi chốn đầy ắp kỷ niệm của một Đà Nẵng xưa, nay đã mất. Nơi ấy, khi còn là một nhà ga bỏ phế đã trở thành một quán rượu bình dân, một thời nhóm thân hữu anh em thường lui tới rượu chè đàn đúm khi thì với họa sĩ Lê Đình Sung, khi thì với thầy Nguyễn Văn Xuân... Đặc biệt, trong thời gian đó, nơi đây, tôi thường gặp và chơi đùa với một cậu bé (hơn chừng 10 tuổi) suốt ngày thường xuyên hí hoáy vẽ tranh tham gia các lớp năng khiếu thiếu nhi. Sau khi địa chỉ ấy bị xóa bỏ, cậu bé cùng gia đình đi đâu không rõ (?). Cho đến một ngày gặp lại, tôi thật bất ngờ biết ra cậu bé ấy, nay chính là họa sĩ thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí nổi tiếng hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh...

Trong buổi lễ khai mạc phòng tranh, nhiều anh em trong giới có nhiều nhận xét về các tác phẩm trong triển lãm lần này của Trần Trung Sáng. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Phương Kỳ cho rằng, Đà Nẵng gắn bó với nghệ thuật của Sáng từ thời trẻ và có lẽ, cho đến cuối cuộc chơi. Giữa cái suy tàn và phát triển của phố phường, anh đã chọn một giọng điệu nhẹ nhàng, thể hiện trong một thủ pháp nghệ thuật vừa gợi, vừa tả để diễn đạt những biến động trong tâm thức về nơi chốn yêu thương, những đường phố, những mái nhà... thực ảo, những chiếc cầu mộng du trên dòng sông ký ức...". Còn riêng với Trần Trung Sáng, anh cho rằng, "Ký ức phố phường" chỉ đơn giản là những sẻ chia của một người họa sĩ-nhà văn về cái đẹp, đồng thời đây còn là tâm huyết của một người vốn đã chọn con đường nghệ thuật từ những ngày thơ trẻ.

40 bức tranh dán giấy của Trần Trung Sáng như đang kể chuyện, đang mở lòng cùng người yêu hội họa, tác giả muốn chia sẻ những quan sát và các mối quan hệ từ chính trải nghiệm của bản thân mình trong những câu chuyện thường ngày, mang đến những sắc màu và tri âm nghệ thuật trong cuộc sống đầy bận rộn hiện nay. Những dòng chữ mực in trên báo, kết hợp với sự tinh xảo trong kỹ thuật xé dán và phối màu chính là tình cảm của người họa sĩ với mong ước sẽ góp phần đánh thức con người về những ký ức đã bị lãng quên, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phát triển sôi động đầy bất cập của thời hiện tại. Chẳng hạn, khi xem bức Pháo hoa, người xem sẽ chùng xuống trong cái tĩnh lặng mênh mông huyền ảo của đôi mèo ngắm trăng bên cửa sổ. Âm thanh huyễn hoặc chừng vang vọng từ cây đàn bỏ quên trong bóng tối thời gian. Xem tranh dán giấy của Sáng, người xem dễ cảm nhận được nguồn hơi ấm từ tranh bằng sự dung dị, gần gũi mà tác giả đã mang từ hiện thực đời sống đặt vào tác phẩm của mình. Với nghệ thuật mô phỏng cuộc sống bằng con mắt của một nhà báo, bằng xúc cảm của một nhà văn, cho nên tác phẩm tranh dán giấy của Sáng đậm đà hơi thở của đời thường.

Suốt một đời gắn với nghề văn nhưng mưu sinh bằng nghề báo, Trần Trung Sáng vẫn giữ được niềm mê đắm hội họa bằng cái chất đặc trưng của người xứ Quảng. Với sự chân thành, tình cảm mến yêu dành tặng cuộc đời, "Ký ức phố phường" chính là ký ức của một đời người với nhiều những buồn lo, vui, khổ như anh từng tâm sự: "Biết đâu mai này mình không thể hoặc không đủ sức để làm được một triển lãm như thế này, thì mình cũng đã không tiếc nuối bởi đã dồn nén niềm đam mê cháy bỏng với mỹ thuật vào "Ký ức phố phường".

NGUYỄN NGỌC HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_208105_tranh-dan-giay-tran-trung-sang-mot-cuoc-choi-tu-hoai-niem.aspx