Tránh học tập thụ động với ChatGPT
Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.
Hai mặt lợi, hại
Thầy Nguyễn Trọng Trường, giáo viên Trường THPT Phenikaa bày tỏ lo ngại, trong quá trình giảng dạy, giáo viên không dùng ngữ liệu trong SGK để thiết kế bài tập, đề luyện, học sinh có thể nhờ sự trợ giúp của ChatGPT để hỏi về cách làm dạng bài, hướng triển khai, phân tích kiểu văn bản nhất định.
Điều đáng lo ngại ở đây là việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt và bị mất đi sự tự chủ.
Với những ngữ liệu mới, ChatGPT chưa thể cập nhật để có thể giải quyết các vấn đề trong ngữ liệu một cách thấu đáo, tỏ tường. Những thông tin mà ChatGPT đưa ra có tỉ lệ sai tương đối cao.
Theo thầy Trần Minh Giàu, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), việc sử dụng Internet và các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT để học tập môn Văn và tiếng Việt ở cấp trung học đã trở nên phổ biến hơn nhờ vào sự phát triển công nghệ và tính dễ tiếp cận. Tuy nhiên, thực trạng này bao gồm cả những mặt tích cực lẫn những thách thức cần được quan tâm.
Mặt tích cực, học sinh dễ dàng tìm kiếm các bài văn mẫu, phân tích tác phẩm, và thông tin liên quan đến môn học trên Internet. Các công cụ AI như ChatGPT hỗ trợ học sinh giải đáp thắc mắc, phân tích tác phẩm và luyện viết dưới sự hướng dẫn tương tác, giúp việc học trở nên thú vị hơn. Một số học sinh sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ viết lách, phát triển ý tưởng hoặc tìm cách diễn đạt mới mẻ. ChatGPT có khả năng trả lời và hướng dẫn phù hợp với trình độ của từng học sinh.
Mặt hạn chế là học sinh dễ bị phụ thuộc vào bài mẫu. Nhiều học sinh chỉ sao chép bài văn mẫu hoặc câu trả lời mà không suy nghĩ sâu sắc, dẫn đến thiếu kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo. Một số học sinh sử dụng Internet hoặc ChatGPT để làm bài tập mà không hiểu rõ nội dung, dẫn đến việc học tập thụ động. Không phải tài liệu nào trên Internet cũng chính xác hoặc phù hợp, dễ gây hiểu lầm nếu học sinh không biết chọn lọc. Phụ thuộc vào gõ phím và công cụ có thể làm suy giảm khả năng tự viết và lập luận của học sinh.
Phát hiện bài làm sử dụng ChatGPT
Cô Nguyễn Bích Hoa, giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cũng chia sẻ thực trạng một số học sinh đã sử dụng ChatGPT để làm bài tập, đề cương ôn tập, soạn bài môn Ngữ văn. Qua khảo sát 55 học sinh trong 1 lớp, có 50 em đã từng sử dụng ChatGPT để soạn bài, và 10 học sinh sử dụng nhiều, khá thành thạo.
Chia sẻ cách nhận biết bài làm có sự hỗ trợ của ChatGPT, cô Nguyễn Thị Bích Hoa cho biết: Trong bài văn nghị luận xã hội, học sinh thường sử dụng ChatGPT để lấy những bằng chứng, thông tin, số liệu để làm sáng tỏ lý lẽ của mình. Trong văn bản thuyết minh, các em thường lấy thông tin, số liệu trên ChatGPT để hoàn thành bài văn. Có em nhập dàn ý và yêu cầu ChatGPT, từ đó hoàn thiện thành một bài văn.
Hiện tại, ChatGPT chưa hoàn thiện đạt đến mức độ sử dụng ngôn từ như một con người. Trong cách hành văn vẫn lộ rõ các lỗi mà người thường không thể mắc phải: logic, văn phong, diễn đạt mơ hồ, xa đề, lạc đề, ngây ngô, câu cụt cộc, thiếu chiều sâu, lặp ý, lan man... Bài văn có nhiều lỗi ngữ pháp, sử dụng dấu câu sai cách. Nhiều học sinh có cách diễn đạt, hành văn giống nhau. Khi giáo viên yêu cầu trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo như: tác giả, tác phẩm, năm xuất bản, hoàn cảnh sáng tác, số trang, dẫn chứng... thì học sinh không báo cáo được.
Một biểu hiện khác (đối với sinh viên) khi sử dụng phần mềm quét đạo văn được gọi là code để quét, mỗi sinh viên chỉ có 1 code dùng duy nhất 1 lần. Vì chatGPT về cơ bản là thuật toán tổng hợp các nguồn và lắp ghép nên vẫn có thể kiểm tra.
Bài văn của học sinh bị phụ thuộc vào từ chìa khóa trong đề bài, dẫn đến bị lặp ý và không còn tính sáng tạo. Bên cạnh đó, bài nhờ ChatGPT “làm hộ” thường có cấu trúc và bố cục không rõ ràng. Trong bài văn nghị luận, cách lập luận không thuyết phục, dẫn chứng thiếu xác thực, lý lẽ không logic.
Cô Nguyễn Bích Hoa cho rằng, hiện nay việc ứng dụng công nghệ là tất yếu, nhưng cần biết sử dụng hợp lý để làm sao nó trở thành một công cụ hỗ trợ, giúp bản thân thực hiện công việc tốt hơn, không phải bị phụ thuộc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-hoc-tap-thu-dong-voi-chatgpt-post716929.html