Tránh lạm dụng chỉ định không cần thiết

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay số người mắc Covid-19 trên cả nước là trên 10,7 triệu người, với trên 9,4 triệu người khỏi bệnh, số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng giảm dần. Trong các trường hợp khỏi bệnh, một số người sau mắc Covid-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe. Để công tác khám, chữa bệnh hậu Covid-19 cho người dân đạt hiệu quả, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế không lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết đối với người bệnh.

Không phải bệnh nhân nào cũng cần khám hậu Covid-19

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau khi bị cúm hoặc nhiễm một loại virus nào đó, người bệnh có thể mệt mỏi kéo dài một vài tuần. Đây là tình trạng rất bình thường. Song, trên thực tế lại có quá nhiều thông tin về hậu Covid-19; người dân không biết phải tìm đọc và nghe theo nguồn tin nào, dẫn tới hoang mang.

Chỉ định phù hợp khi khám chữa bệnh hậu Covid-19. Nguồn: ITN

Chỉ định phù hợp khi khám chữa bệnh hậu Covid-19. Nguồn: ITN

Dẫn chứng về một triệu chứng điển hình của người bệnh sau khi mắc Covid-19 là mất ngủ kéo dài, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho hay, theo thống kê của các nước và Việt Nam, tỷ lệ mất ngủ sau khi bị Covid-19 chiếm khoảng 40% người nhiễm. Trong khi, có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như do tâm lý, virus gây bệnh và quá trình điều trị dùng thuốc có tác dụng phụ.

Thông thường, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào người, không chỉ gây tổn thương phổi mà còn xâm nhập vào hệ thần kinh, làm các tế bào não bị tổn thương, gây tổn thương hệ thần kinh, thậm chí khi xét nghiệm âm tính rồi, nhưng vẫn còn virus trong hệ thần kinh. Bên cạnh đó, khi điều trị Covid-19, người bệnh đã dùng một số thuốc kháng virus và ức chế miễn dịch... có tác dụng phụ dẫn đến mất ngủ. Hoặc về mặt tâm lý, nhiều người rất căng thẳng, lo lắng khi bị bệnh cũng gây nên mất ngủ.

Theo các bác sĩ, sau khi mắc Covid-19, không phải bệnh nhân nào cũng cần phải khám hậu Covid-19. Người dân tự theo dõi, lắng nghe cơ thể xem có những thay đổi bất thường như tức ngực, khó thở, ho... hay không. Đặc biệt, những người có bệnh nền về tim mạch, huyết áp, tiểu đường… nên đi khám ngay và khám ở những nơi thuộc chuyên khoa. Đối với những bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19, không có triệu chứng bất thường, là người trẻ, khỏe, không nên rơi vào thái cực quá lo lắng, lạm dụng hoặc quá chủ quan nếu đã có triệu chứng.

Tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, khái niệm hậu Covid-19 đang bị lạm dụng rất nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội. Do đó, ngành y tế cần giải thích cho người dân hiểu rõ bản chất của hậu Covid-19, đồng thời xác định rõ trường hợp nào cần tầm soát sau khi khỏi bệnh; kịp thời đưa ra khuyến cáo, hậu Covid-19 không hề đáng sợ, giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng.

Theo ghi nhận, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm hay tử vong. Rất nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như mất ngủ, mệt mỏi, lo âu kéo dài... chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tích cực tập luyện, chế độ dinh dưỡng khoa học.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi bệnh nhân đến khám, một số nơi đưa ra các gói khám hoặc đưa ra những đánh giá quá mức cần thiết, sẽ làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang và tốn kém chi phí cho người bệnh. Để ngăn chặn tình trạng quảng cáo quá đà về các gói dịch vụ khám, điều trị hậu Covid-19, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, khoa, phòng chuyên môn; chấn chỉnh kịp thời các cơ sở khám, chữa bệnh không tuân thủ quy định của Bộ Y tế.

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân nói chung và người sau khi mắc Covid-19, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai, củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh thường quy; bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó chú trọng các giải pháp cải tiến, tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh.

Các đơn vị khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc Covid-19 thực hiện theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành. Đặc biệt, triển khai khám, chữa bệnh thường quy và khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo cách tiếp cận đa khoa, chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa (chú ý về lĩnh vực hô hấp, tim mạch, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng...); bảo đảm chỉ định phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/tranh-lam-dung-chi-dinh-khong-can-thiet-i291157/