Tránh lạm dụng thực thi biện pháp cảnh vệ liên quan tới quyền con người và quyền công dân

Chiều 3/6, trong chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến tham luận.

Đại biểu Trần Văn Tuấn cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đồng thời đề xuất tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để tránh lạm dụng khi thực thi một số biện pháp liên quan đến quyền con người và quyền công dân.

 Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại hội trường.

Qua nghiên dự thảo Luật, đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật (như trong Tờ trình của Chính phủ). Việc ban hành Luật nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; khắc phục một số vướng mắc, bất cập đã bộc lộ trong thực thi Luật Cảnh vệ năm 2017 thời gian qua; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình mới …

Đại biểu cũng cơ bản nhất trí với những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung, trọng tâm là một số quy định về: Bổ sung, thu hẹp đối tượng cảnh vệ (Điều 10); Điều chỉnh, bổ sung, tách bạch chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với các nhóm đối tượng cảnh vệ (các điều: 11, 12 và 13); bổ sung thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an trong trường hợp cấp thiết được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại (khoản 6, Điều 10); bổ sung một số quy định về lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (Chương III) và bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này (khoản 4a, Điều 25)…

Có thể thấy, với đặc điểm, tính chất của công tác cảnh vệ, Luật Cảnh vệ năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có một số điều khoản liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân (đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013), nhất là các quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Ví dụ một số biện pháp, quyền hạn về: Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nổ súng trong một số trường hợp; huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ và các biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...

 Các đại biểu Đoàn Bắc Giang dự kỳ họp.

Các đại biểu Đoàn Bắc Giang dự kỳ họp.

Ngoài các biện pháp được quy định trong Luật, theo Tờ trình của Chính phủ thì cách thức, quy trình thực hiện công tác cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao của lực lượng Công an nhân dân và có chứa bí mật nhà nước cần giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết. Các quy định trên là hết sức cần thiết, phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào thì việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phải luôn được đề cao, tránh tùy tiện, lạm dụng việc thực thi các biện pháp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu không thực sự cần thiết (như tùy tiện, lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nổ súng; huy động phương tiện…). Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc quan trọng được Hiến pháp quy định, cần được thể hiện trong Luật và các văn bản dưới luật.

Song qua nghiên cứu, đại biểu Trần Văn Tuấn nhận thấy, tại Điều 5 của Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định về “Nguyên tắc cảnh vệ”, các điều, khoản liên quan trong Luật hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ lại chưa quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung này. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 5 quy định nguyên tắc sau: Không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Trên cơ sở nguyên tắc này, đề nghị Chính phủ và Bộ Công an tiếp tục có các quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện, cách thức, quy trình thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm thực hiện trong thực tế.

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tranh-lam-dung-thuc-thi-bien-phap-canh-ve-lien-quan-toi-quyen-con-nguoi-va-quyen-cong-dan-152539.bbg