Tránh lãng phí trong việc xây chợ nông thôn

ĐBP - Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ nông thôn là hướng đi đúng, bảo đảm phát triển các trung tâm cụm xã và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản, từ đó nhằm thay đổi bộ mặt cho các vùng nông thôn. Thế nhưng, nhiều năm qua không ít chợ trên địa bàn tỉnh Điện Biên được đầu tư xây dựng khá khang trang nhưng xây xong rồi không có tiểu thương buôn bán, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Chợ Mường Phăng bỏ không từ hơn chục năm nay cỏ dại mọc um tùm, rác thải đầy sân.

Sau nhiều năm nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhân dân các dân tộc trong xã và sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước, năm 2018 xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) nay là TP. Điện Biên Phủ đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là cơ hội để vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xa hơn nữa là xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thì hiện nay chính quyền xã Mường Phăng vẫn còn trăn trở và suy nghĩ về việc chợ trung tâm xã xây xong từ hơn chục năm nay nhưng vẫn vắng bóng kẻ bán, người mua và cảnh người dân vẫn bày bán hàng hóa dọc 2 bên đường vô tình làm cho hình ảnh của vùng căn cứ cách mạng bị xấu đi trong mắt của du khách.

Chị Lê Thị Lan - một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại Mường Phăng, cho biết: Dù biết việc buôn bán ở vỉa hè như thế này vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nên nhiều lần chính quyền xã đã vận động vào chợ buôn bán, chúng tôi cũng tuân thủ theo. Thế nhưng khi vào chợ buôn bán, hàng quán ít chỉ khoảng 3 - 4 hộ kinh doanh thường xuyên chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, như: thịt, cá, rau… còn lại là một số ít hộ người dân tranh thủ lúc nông nhàn có sản phẩm mới đem bán. Hàng hóa ế ẩm, ít người vào mua nên chúng tôi phải bỏ chợ về chỗ cũ”.

Người dân xã Mường Phăng buôn bán dọc 2 bên đường trước khu vực cổng chợ gây mất mỹ quan.

Được biết, chợ Mường Phăng được xây dựng từ năm 2003 bằng nguồn vốn Chương trình 135, nhằm mục đích đẩy nhanh phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân. Chợ có diện tích hơn 1.000m2, gồm: 4 dãy ki-ốt có mái che, nhà vệ sinh cùng với khoảng sân rộng để người dân dễ dàng vận chuyển hàng hóa, để xe vào chợ mua hàng. Thế nhưng, xây dựng đến nay đã hơn chục năm trôi qua, khu chợ khang trang ngày nào giờ cỏ dại mọc um tùm, rác thải đầy sân, nhiều hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Giải thích vấn đề này, bà Thẳm Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết: Người dân từ trước đến nay vẫn có thói quen “tiện đâu mua đấy”. Xã cũng đã nhiều lần vận động người dân vào trong chợ để buôn bán nhưng chỉ được 5 - 7 ngày là đâu lại vào đấy, với lý do là không bán được hàng. Thậm chí, có người còn cho rằng, họ chỉ bán vài ba mớ rau, vào chợ mất phí nên không vào, bởi vậy xã cũng đành “bó tay”. Trước đây xã cũng có định hướng đưa các hộ bán hàng phục vụ du khách tại Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ về chợ nhưng thiếu khả thi”. Cũng theo chia sẻ của bà Thẳm Thị Hiên, thời gian tới, xã sẽ giải quyết triệt để hơn tình trạng này để đưa người dân vào chợ buôn bán. Đồng thời, dỡ bỏ mấy gian hàng trước cổng chợ để tạo sự thông thoáng cho khu chợ; cải tạo lại một số hạng mục đã xuống cấp để thuận tiện cho người dân trong việc buôn bán.

Khác với chợ trung tâm xã Mường Phăng, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2018 xã Nà Tấu đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng chợ khang trang với diện tích sử dụng gần 2.000m2, bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua bán tại địa phương, như: nhà chợ chính với 21 gian hàng cố định, sân trung tâm với 60 gian hàng cố định và không cố định, nhà làm việc của Ban Quản lý chợ, nhà để xe, nhà vệ sinh, điểm tập kết rác thải… Chợ được hoàn thành vào cuối năm 2019, thế nhưng từ khi hoàn thành đến nay, chợ vẫn chưa được đưa vào hoạt động, từ công năng là chợ nhưng giờ đây lại được người dân chuyển thành 3 sân bóng chuyền và là chỗ vui chơi của trẻ em vào mỗi buổi chiều.

Từ công năng là chợ nhưng chợ xã Nà Tấu lại được người dân chuyển thành sân bóng chuyền.

Ông Trần Văn Hoài, người dân xã Nà Tấu cho biết: “Chợ Nà Tấu được xây dựng tại khu vực chợ phiên trước đây nên người dân cũng đã quen với việc mua bán tại đây. Nhưng từ khi xảy ra tình trạng người ngồi trước chèo kéo khách, người ngồi trong không bán được hàng thế nên cứ lần lượt từng hộ một di chuyển ra ngoài mặt đường để bán rồi dần dần hình thành chợ như hiện nay. Việc người dân lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông để buôn bán như hiện nay tôi thấy rất nguy hiểm. Tại khu vực này, cũng có không ít vụ va chạm giao thông xảy ra, tuy chưa thiệt hại về người nhưng việc họp chợ tự phát như thế này đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tôi mong chính quyền xã sớm đưa chợ vào hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như các phương tiện lưu thông qua đây”.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc chợ xây xong nhưng vẫn chưa được đưa vào hoạt động, trao đổi với ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, được biết: Chợ được thi công và hoàn thiện từ năm 2019, nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên việc giải ngân chưa kịp thời dẫn đến thời gian bàn giao công trình chậm. Hơn nữa, sau khi sáp nhập về thành phố, xã đã có tờ trình đề nghị về việc phê duyệt hoạt động chợ Nà Tấu và xã cũng vừa mới nhận được Quyết định ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Quản ý chợ Nà Tấu vào ngày 27/8 vừa qua”. Theo ông Lò Văn Toản thì sau khi nhận được quyết định của UBND thành phố, bắt đầu từ tháng 9 xã sẽ thông báo đến người dân và tuyên truyền, vận động để người dân di chuyển vào trong chợ buôn bán. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng, như: Công an, quân sự… kiên quyết nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, căn cứ vào nguồn thu nhập thực tế của các hộ kinh doanh di chuyển vào chợ (chủ yếu là kinh doanh mặt hàng quần áo, thực phẩm tươi sống…) lượng mua không nhiều, một số hàng quán thuê ki-ốt ngoài mặt đường sẽ có ưu thế buôn bán hơn do đi lại thuận tiện và thu hút nhiều khách vãng lai nên các hộ kinh doanh trong chợ cũng có những bất lợi nhất định do đường vào chợ bị khuất, không bắt mắt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của người dân. Do đó, để hỗ trợ các hộ kinh doanh có thời gian quen dần với địa điểm buôn bán mới, tạo thói quen mua bán trong chợ, xã đã có phương án miễn thu các loại phí của các hộ kinh doanh di chuyển vào chợ trong 6 tháng.

Với quyết tâm của chính quyền xã Nà Tấu và xã Mường Phăng trong việc đưa chợ vào hoạt động trong thời gian tới là vậy, nhưng hiệu quả đến đâu thì đòi hỏi cấp ủy, chính quyền 2 xã cần phải có những giải pháp lâu dài, để tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Bài, ảnh: Hoàng Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/dau-tu/180582/tranh-lang-phi-trong-viec-xay-cho-nong-thon