Tranh luận hội đồng trường tồn tại ở mức hình thức, cần hoạt động thực chất hơn

Tại tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), nhiều ý kiến chỉ ra bất cập về hoạt động thực chất của hội đồng trường hiện nay.

Về hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học, ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, trong quá trình tự chủ đại học, đây là một mô hình quản trị phù hợp, nhưng phải được đi vào thực chất.

Song, ông cho rằng, hiện ở rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, việc hội đồng trường tồn tại còn ở mức hình thức, chưa thực sự đóng vai trò quản trị.

“Ở trường tôi, trong hội đồng trường có các thành viên ngoài trường là những cán bộ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, cựu sinh viên, nhưng vì công việc quá bận nên những cuộc họp của hội đồng trường hầu như không xuất hiện, có đến cũng làm những công việc hình thức. Ngay cả những công việc quan trọng như bầu chủ tịch hội đồng trường hay hiệu trưởng cũng thường chỉ có từ 1-2 trong số 6 thành viên ngoài tham gia”, ông Linh nói.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp.

Ông Linh cho rằng, các hội đồng trường cần hoạt động một cách thực chất hơn và các cá nhân tham gia hội đồng trường phải thực sự có kinh nghiệm về quản trị đại học. “Những người lãnh đạo hội đồng trường phải từng kinh qua các công việc quản lý ở trường đại học thì mới hỗ trợ tốt hơn cho việc quản trị. Các thành viên hội đồng trường, đặc biệt là những người ngoài trường cần quan tâm hơn”, ông Linh nói.

Ông Linh cũng kỳ vọng sau khi có Luật Giáo dục đại học sửa đổi, hoạt động của các hội đồng trường sẽ đi vào thực chất hơn, thực sự đóng góp và hiệu quả.

GS.TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc cho rằng, nên có thêm tiêu chí xác định mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo phân cấp trong việc thành lập hội đồng trường.

“Cơ sở đại học có thể phân cấp ở nhiều mức độ tự chủ khác nhau. Nếu trường được phân mức độ tự chủ nhiều thì vai trò của hội đồng trường sẽ rất lớn và ngược lại. Chẳng hạn, nếu một trường đại học là đơn vị tự chủ nhóm 4, theo nguyên tắc cơ quan chủ quản sẽ quản lý trực tiếp và phê duyệt toàn bộ. Như vậy, vai trò của hội đồng trường không còn quyết định được điều gì”, ông Trung nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp.

Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Bộ GD-ĐT cũng đánh giá hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, hình thức.

Đặc biệt, quy định về tổ chức hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là không phù hợp và không khả thi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện, hầu hết hội đồng trường của các trường đại học đang trong nhiệm kỳ đầu tiên.

“Vì vậy, rất nhiều thứ, kể cả cách hiểu, quy định về quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng trường trong luật chưa được giải thích, hướng dẫn rõ cũng khó. Chưa kể, chúng ta chuyển sang một mô hình lần đầu tiên trong vòng mấy năm, rồi việc lựa chọn nhân sự của hội đồng trường cũng không có kinh nghiệm, thời gian nên có những bất cập”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận còn những chồng chéo giữa triển khai phương thức lãnh đạo, tổ chức quản trị, hoạt động điều hành trong cơ sở giáo dục đại học.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-luan-hoi-dong-truong-ton-tai-o-muc-hinh-thuc-can-hoat-dong-thuc-chat-hon-2401360.html