Tranh luận về đánh thuế nước giải khát có đường, tăng thuế với rượu, bia, thuốc lá
Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Trước khi thảo luận tại tổ, trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, sửa đổi, quy định các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành như: sửa đổi quy định “thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” thành “thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm”.
Bên cạnh đó sửa đổi quy định mặt hàng “rượu”, “bia” thành “rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”, “bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Sửa đổi, bổ sung quy định mặt hàng “xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” thành “xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô tải VAN loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng”.
Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Thẩm tra dự án Luật trên, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, về bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế TTĐB đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Theo ông Mạnh, có một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì việc chỉ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo). Đồng thời, việc thu thuế đối với đồ uống có đường chưa hẳn đã đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng do người dân có nhiều lựa chọn khác để thay thế như sử dụng các sản phẩm có đường được pha chế tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng, đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường và cơ quan quản lý thuế cũng không có căn cứ để thu thuế đối với các sản phẩm đồ uống này.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác như đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, quy định giới hạn các nội dung được phép quảng cáo liên quan đến sản phẩm có đường có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân.
Cũng theo ông Mạnh, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời, có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
ĐB Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) đồng tình việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là hợp lý vì nước giải khát có đường tác động tới dinh dưỡng của trẻ em và người lớn rất lớn.
Tại sao cần đánh tăng thuế bia, rượu, thuốc lá?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi. Đặc biệt đối với vấn đề định hướng để tăng thuế TTĐB với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, vào danh mục chịu thuế.
Theo bà Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại tới sức khỏe, hoặc không lành mạnh, từ đó giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, tim mạch, hô hấp, tiểu đường ở Việt Nam; góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, giảm chi phí cho hệ thống y tế và nền kinh tế do bệnh không lây nhiễm gây ra trong tương lai.
Về vấn đề đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, bà Lan cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp, mới chiếm 34-38% giá bán đến tay người dùng, trong khi ở các nước trên thế giới con số này trung bình khoảng 62%; một số nước đã đánh thuế rất cao, như: Thái Lan 81%, Indonesia là 72,9%, Singapore là 66,3%. Trong khi đó, ước tính hằng năm, Việt Nam có hàng chục nghìn ca tử vong liên quan đến bệnh do thuốc lá gây ra. Chưa kể, sử dụng thuốc lá còn làm tăng chi phí y tế và tổn thất kinh tế. Theo ước tính, tổn thất liên quan đến tác hại của thuốc lá hằng năm lên đến 108.000 tỷ đồng.
“Bộ Y tế nghiêng về phương án 2 với mong muốn đẩy nhanh hơn tốc độ tăng thuế thuốc lá để giảm bớt người nghiện hoặc sử dụng thuốc lá”-bà Lan nói.
Về việc áp thuế TTĐB đối với đánh thuế rượu bia, bà Lan đưa ra phân tích rằng, WHO đánh giá và có bằng chứng khoa học về việc sử dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 nhóm bệnh tật và rối loạn sức khỏe, bao gồm xơ gan, ung thư và các rối loạn tâm thần do rượu. Đặc biệt, rượu bia cũng gây nên vấn đề thương tích và tử vong do tai nạn giao thông và là yếu tố nguy cơ gây nên bạo lực gia đình.
Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, Lan bày tỏ quan điểm hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì từ đó làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.
Bà Lan nhấn mạnh: “Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASIAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường”.
Song ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) lo ngại, nếu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát, thì thu ngân sách từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm sẽ giảm khoảng 4.978 tỷ đồng từ thuế gián thu, chưa kể đến mức giảm tương ứng từ thuế trực thu. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, Viện Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Ở góc độ tăng thuế đối với thuốc lá, rượu, bia, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng, việc tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, nước giải khát, rượu, bia là cần thiết nhưng tăng sốc, tăng ngay ở thời điểm Luật có hiệu lực thi hành thì sẽ ảnh hưởng đến những ngành hàng đang giữ một vị trí khá quan trọng trong thu ngân sách của nước ta. Do vậy nên tính toán lộ trình tăng cho phù hợp.