Tranh luận về mức tăng 18% thuế VAT với sách tại Sri Lanka

Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách thế giới IPA và EIBF đang kêu gọi chính phủ Sri Lanka hủy bỏ việc tăng thuế đối với sách nhập khẩu.

Liên đoàn Các đơn vị sách châu Âu và quốc tế (EIBF) và Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế (IPA) gần đây đã đưa ra tuyên bố chung, kêu gọi chính phủ Sri Lanka không thực hiện kế hoạch tăng 18% thuế giá trị gia tăng đối với sách.

Tăng thuế sách nhằm tái cơ cấu kinh tế Sri Lanka

Trong bối cảnh nền kinh tế Sri Lanka gặp khó khăn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/12/2023 thông tin rằng họ đã hoàn thành đợt đánh giá đầu tiên đối với “cơ chế quỹ mở rộng” trong 48 tháng với Sri Lanka nhằm giúp nước này “tiếp cận khoản vay 254 triệu rupee (337 triệu USD) để hỗ trợ các chính sách và cải cách kinh tế”.

Để nhận được đánh giá tích cực từ IMF, Sri Lanka đã tiến hành chương trình tái cơ cấu, cải tổ cơ cấu quản trị nền kinh tế. Trong đó, đề xuất tăng thuế VAT đối với sách là một phần trong kế hoạch đáp ứng các yêu cầu của IMF.

Tuy nhiên, IPA và EIBF đang nỗ lực bày tỏ lo ngại với quyết định này của Sri Lanka, cho rằng việc tăng 18% thuế VAT sẽ khiến giá sách nhập khẩu vào nước này tăng gấp đôi, trong khi đồng rupee của Sri Lanka đang bị hạ giá trị. Hiệp hội các nhà xuất bản, nhập khẩu và bán sách Ceylon của Sri Lanka là thành viên của EIBF, còn Hiệp hội các nhà xuất bản sách Sri Lanka cũng là thành viên của IPA.

 Đề xuất tăng thuế sách nằm trong chiến lược cải tổ kinh tế của Sri Lanka. Ảnh: Sunday Times.

Đề xuất tăng thuế sách nằm trong chiến lược cải tổ kinh tế của Sri Lanka. Ảnh: Sunday Times.

Trên thực tế, việc điều chỉnh thuế đối với sách không chỉ diễn ra ở Sri Lanka. Tuy nhiên, tại châu Âu, việc đánh thuế sách đi theo hướng khác và có lợi hơn. Vào tháng 12 năm 2021, Hội đồng các vấn đề tài chính và kinh tế của Liên minh Châu Âu, ECOFIN, đã xác định rằng các quốc gia thành viên có thể linh hoạt trong việc ấn định VAT với sách của mình. Và đến mùa xuân năm 2022, các quốc gia thành viên đã được cấp giấy phép giảm thuế VAT hoàn toàn đối với sách và sách điện tử, thậm chí có thể đặt ở mức 0% nếu muốn.

Do đó, khi chiến lược của Sri Lanka đi ngược lại với châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, IPA và EIBF đã viết thư cho cả chính phủ Sri Lanka và IMF để phản đối mức thuế VAT 18% được đề xuất.

Người dân khó tiếp cận sách

Chủ tịch IPA Karine Pansa cho biết trong một tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi thừa nhận rằng một số chính sách tài chính là cần thiết trong những thời điểm khó khăn, nhưng chúng tôi không tin rằng các sản phẩm văn hóa, bao gồm cả sách, phải tuân theo các biện pháp như vậy. Không nên áp dụng thuế quan đối với sách, bất kể hình thức nào, vì vai trò quan trọng của chúng trong việc đảm bảo sự thành công của các chính sách giáo dục, xóa mù chữ và phát triển văn hóa ở tất cả quốc gia".

"Sách, dù dành cho người lớn hay trẻ em, đều cung cấp nền tảng cho kỹ năng đọc, sự khao khát kiến thức, sự hiểu biết và phát triển cá nhân. Tất cả đều góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững của một quốc gia”, trích tuyên bố của Chủ tịch IPA.

 Việc tăng thuế có thể khiến sách trở thành mặt hàng đắt đỏ với nhiều người dân Sri Lanka. Ảnh: publishingperspectives.

Việc tăng thuế có thể khiến sách trở thành mặt hàng đắt đỏ với nhiều người dân Sri Lanka. Ảnh: publishingperspectives.

Phát biểu thay mặt EIBF, đồng Chủ tịch liên đoàn Fabian Paagman nói: “Việc áp dụng một mức thuế đáng kể đối với sách nhập khẩu sẽ ngay lập tức khiến các nhà bán sách ở Sri Lanka giảm hoặc ngừng nhập sách. Cùng việc giá sách vốn đang cao do đồng rupee mất giá sẽ càng giảm khả năng tiếp cận sách, đẩy mức giá cao thêm cho người tiêu dùng và có thể gia tăng nảy sinh vấn đề vi phạm bản quyền, gây bất lợi cho xuất bản trong nước”.

EIBF và IPA cũng cho biết Sri Lanka là một bên ký kết Thỏa thuận Florence của Liên hợp quốc vào năm 1952, theo đó, yêu cầu các quốc gia cam kết “không áp dụng thuế quan hoặc các khoản phí khác đối với, hoặc liên quan đến việc nhập khẩu sách, ấn phẩm và tài liệu” vì giá trị quan trọng của dòng chảy văn hóa xuyên biên giới.

IPA và EIBF cho biết: “Việc đưa sách ra khỏi danh sách miễn thuế VAT dường như hoàn toàn trái ngược với cam kết theo Hiệp định Florence”.

Hai cơ quan này cũng cho biết: “EIBF và IPA sát cánh cùng các đồng nghiệp Sri Lanka, đồng thời kêu gọi chính phủ xem xét lại biện pháp này vì lợi ích của văn học Sri Lanka”.

Theo đó, Hiệp hội Nhà xuất bản Sách Sri Lanka dự đoán rằng theo đề xuất mới, “người đọc sẽ phải trả thêm 1/5 chi phí” cho sách. Mức giá này có thể khiến nhiều người dân không thể mua được.

Một bài viết trên tờ Sunday Times cũng nêu rõ các nhà xuất bản địa phương đang xem xét những khó khăn của đề xuất tăng thuế và các hiệp hội trong ngành cũng “đang cân nhắc liệu có thể khởi kiện để trì hoãn việc áp thuế VAT cho đến khi các vấn đề liên quan được giải quyết hay không”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/tranh-luan-ve-muc-tang-18-thue-vat-voi-sach-tai-sri-lanka-post1453923.html