Tránh những hình thức trá hình dạy thêm, học thêm

Dù phụ huynh có tự nguyện cho con học thêm thì giáo viên cũng không được thu tiền...

Ảnh có tính chất minh họa/gdtd.vn

Ảnh có tính chất minh họa/gdtd.vn

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu nêu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - sáng 7/2 - cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo luật có 1 điều riêng quy định về những việc không được làm của nhà giáo. Trong đó, quy định không ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Góp ý nội dung này, bà Nguyễn Thanh Hải nhắc đến Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29).

Thông tư này đang được dư luận xã hội quan tâm, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ, chi tiết hơn quy định cấm “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” và tránh trá hình bằng hình thức viết đơn “tự nguyện học thêm” của phụ huynh.

Bộ GD&ĐT đã có quy định về dạy thêm, học thêm nhưng theo Trưởng ban Công tác đại biểu nên lấy điểm gốc từ Luật Nhà giáo để quy định. Theo đó, cần quy định rõ hơn nữa. Trong đó, những hành vi cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

“Nếu tự nguyện thì vẫn được. Tuy nhiên, tôi đề nghị dù phụ huynh có tự nguyện thì giáo viên cũng không được thu tiền. Qua đó nhằm chấm dứt triệt để những hình thức trá hình dạy thêm, học thêm” - bà Nguyễn Thanh Hải trao đổi.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, nếu dạy thêm mà dạy học sinh chính khóa của mình cũng có những điều tốt khi giáo viên nắm được chất lượng, bồi dưỡng cho học trò tiến bộ đồng đều.

Trường hợp học sinh muốn học thêm thì đăng ký ra trung tâm. Các thầy, cô giáo có thể đăng ký để dạy ở đó và thực hiện nghĩa vụ tài chính như đóng thuế thu nhập cá nhân... Người học cũng có thể lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm bồi dưỡng.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Cũng tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải góp ý, quy định quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học là quy định có tính “cách mạng”, góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Việc hình thành doanh nghiệp công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo “vườn ươm” công nghệ, đóng góp tích cực trong sự phát triển khoa học công nghệ, đồng thời “cởi trói” cho các nhà công nghệ, vừa là các nhà giáo trong các trường đại học lớn.

Theo Thông tư 29, ba nhóm học sinh được phép tham gia học thêm trong trường mà không phải đóng học phí gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở học kỳ trước; học sinh được nhà trường chọn để bồi dưỡng nâng cao; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc tốt nghiệp theo kế hoạch của trường.

Thông tư quy định không được tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học. Giáo viên đang giảng dạy tại trường không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường để thu tiền từ chính học sinh mình đang phụ trách trên lớp.

Với tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm...

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo mẫu)...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-nhung-hinh-thuc-tra-hinh-day-them-hoc-them-post718670.html