Tránh sai lầm trong giữ ấm cho trẻ
Theo các chuyên gia, vào mùa Đông, cần giữ cho trẻ đủ ấm, nhưng không quá mức khiến bé ra mồ hôi, nóng hơn bình thường.
Theo các chuyên gia, vào mùa Đông, cần giữ cho trẻ đủ ấm, nhưng không quá mức khiến bé ra mồ hôi, nóng hơn bình thường. Nên cho trẻ mặc nhiều áo thay vì một áo dày và tuân thủ nguyên tắc “4 ấm 1 lạnh”.
Thời điểm virus dễ sinh sôi
Các bệnh hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhưng tần suất xuất hiện nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa và mùa Đông. Chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần trang bị những kiến thức chăm sóc trẻ khoa học, tuân thủ điều trị để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh lý hô hấp. Trong đó, chủ yếu là viêm phổi. Trung bình, mỗi trẻ sẽ mắc các bệnh lý hô hấp từ 4 - 6 lần/năm.
BSCKI Lâm Tuyết Trinh - quyền điều hành phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, đường hô hấp không giới hạn ở hai lá phổi. Đường hô hấp bắt đầu ở mũi, kết thúc tại phổi cũng như hai mạch máu phổi. Ở bất kỳ vị trí nào, trẻ cũng có thể bị tổn thương, như mũi, họng, hầu họng, phế quản, tiểu phế quản.
Chuyên gia này giải thích, vào mùa lạnh, Đông - Xuân, trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Lý do là bởi, mùa Đông - Xuân, không khí lạnh và ẩm hơn. Đây là môi trường khiến virus dễ sinh sôi nảy nở. Từ đó, gây tình trạng nhiễm siêu vi, virus. Vào mùa Đông - Xuân, không khí cũng nặng hơn.
Vấn đề đối lưu không khí cũng chậm hơn so với mùa Hè. Khi không khí bị tù túng, virus dễ sinh sôi và tồn tại ở môi trường nhiều hơn. Đồng thời, thời gian có ánh sáng Mặt trời cũng ngắn hơn. Việc ít ánh sáng Mặt trời sẽ thiếu phần diệt khuẩn. Từ đó, khiến trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh.
Ngoài giữ ấm, điều quan trọng là cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Bác sĩ Tuyết Trinh khuyến cáo, cha mẹ phải cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn đủ dinh dưỡng. Đồng thời, ăn trái cây, rau xanh, tăng sức đề kháng.
Phụ huynh nên hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người, tránh xa khói thuốc lá, giữ vệ sinh cá nhân, súc miệng, rửa tay. Đồng thời, đưa trẻ đi tiêm ngừa cúm. Bởi, cúm là một trong những bệnh lý gây viêm đường hô hấp ở trẻ.
Phương pháp giữ ấm sai lầm
Bác sĩ Trinh lưu ý, cần giữ trẻ đủ ấm, nhưng không quá mức khiến bé ra mồ hôi, nóng hơn bình thường. Nên cho trẻ mặc nhiều áo thay vì một áo dày. Phụ huynh nên tuân thủ nguyên tắc “4 ấm 1 lạnh”.
Đó là giữ ấm lòng bàn chân, tay - nơi dễ lạnh và có nhiều mạch máu, cũng như bụng và lưng. Trong khi đó, với phần đầu, có thể để thoáng không đội mũ. Tuy nhiên, nếu ra ngoài trời, cha mẹ nên cho trẻ đội mũ và giữ ấm hai tai.
“Cần luôn ưu tiên mặc nhiều quần áo cho trẻ. Lý do là giữa nhiều lớp quần áo, có một lớp không khí. Lớp không khí sẽ nhận được nhiệt độ từ cơ thể. Không khí cũng dẫn nhiệt kém, thành một màng giữ ấm tự nhiên cho trẻ. Trái lại, việc mặc một áo dày sẽ không có lớp không khí đó, không giữ ấm hiệu quả. Với một áo dày, khi đi tới những nơi thay đổi nhiệt độ, trẻ sẽ không thể cởi bớt”, chuyên gia giải thích.
BSCKI Tuyết Trinh lưu ý, thân nhiệt trẻ em khác người lớn. Trẻ sơ sinh đa số thấp hơn người lớn. Trẻ thường dao động và biến thiên so với nhiệt độ môi trường, ít tính ổn định.
Với trẻ ngoài độ tuổi sơ sinh, cần giữ ấm tùy theo độ biến thiên nhiệt độ. Nhiều khi trẻ toát mồ hôi dù cha mẹ thấy lạnh. Đó là sự khác biệt giữa thân nhiệt người lớn và trẻ em. Nguyên tắc là cần tránh gió, không để gió thổi trực tiếp vào trẻ.
Thời tiết trở lạnh khiến nhiều phụ huynh lo lắng con mình bị bệnh. Do đó, họ sẽ ưu tiên việc giữ ấm để phòng bệnh cho con. Thế nhưng, đôi khi những biện pháp này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ nếu không được làm đúng cách
Để giữ ấm cho con, không ít cha mẹ sử dụng miếng dán giữ nhiệt. Song, theo bác sĩ Trinh, hiện nay, trên thị trường, miếng dán giữ nhiệt có nhiều loại và nguồn gốc. Thậm chí, nhiều miếng dán giữ nhiệt không rõ xuất xứ.
Bác sĩ Trinh cho biết, phụ huynh không nên sử dụng miếng dán giữ nhiệt cho trẻ. Lý do là bởi các miếng dán giữ nhiệt chỉ giữ ấm ở một vùng nhiệt độ của cơ thể. Trong khi đó, thân nhiệt dàn đều trên toàn bộ vùng da. Việc chỉ giữ ấm từng vùng cũng không đảm bảo trẻ hết lạnh.
Ngoài ra, miếng dán có nhiệt độ cao. Do đó, nếu dán vào vùng da mỏng manh, nhạy cảm, trẻ sẽ có nguy cơ làm bị bỏng. Nếu trời quá lạnh, cha mẹ có thể cho trẻ dùng túi giữ nhiệt, tránh tiếp xúc trực tiếp với vùng da mà vẫn giữ ấm.
Một phương pháp giữ ấm sai lầm khác là đốt than. Theo bác sĩ Trinh, khi đốt than, nhiệt độ rất nóng, không thể kiểm soát, có nguy cơ gây bỏng nhiệt. Việc đốt than cũng gây khí CO. Khi đó, trẻ hít vào sẽ gây tổn thương đường hô hấp vĩnh viễn. Nặng hơn, trẻ có thể bị thiếu oxy.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp, BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, phụ huynh cần vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm, vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể thường xuyên. Hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để giảm sự lây nhiễm vi sinh vật.
Đảm bảo dinh dưỡng, với trẻ nhỏ tăng cường bú mẹ, trẻ lớn bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả để cung cấp đủ vitamin, tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ theo lịch. Đồng thời, cần giữ cho môi trường trong nhà sạch sẽ, thông thoáng có đủ ánh sáng để tiêu diệt tác nhân vi sinh vật, vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của trẻ, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và chỗ đông người.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-sai-lam-trong-giu-am-cho-tre-post665659.html