Tránh 'sập bẫy' lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
Hiện nay, nhiều thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế tinh vi dễ dẫn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam 'sập bẫy'. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần đặc biệt chú trọng đến việc xác minh đối tác, chắn chắn trong các điều khoản hợp đồng, hình thức thanh toán... để tránh 'bẫy'.
Dễ "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo
Ngày 30/11/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 11/2023 với chủ đề Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch COVID-19, trong đó vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.
Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. "Tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro", Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến đánh giá.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cùng với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nhiều trải nghiệm trong hoạt động xuất khẩu, song theo Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến, đa số doanh nghiệp của Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hóa kinh doanh của các nước nhập khẩu, chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.
Trước tình hình các hình thức lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện.
Bên cạnh đó,hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.
Cẩn trọng trong xác minh, ký kết hợp đồng
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin, hiện nay, có rất nhiều hình thức lừa đảo thương mại quốc tế tại Canada. Có trường hợp đối tượng nhập cư nước ngoài tiếp cận hồ sơ của các doanh nghiệp lớn của nước sở tại, sau đó chủ động tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam để gửi tin nhắn, email có đuôi gmail hoặc yahoo đề nghị ký đơn hàng giá trị lớn và sẵn sàng cung cấp tất cả giấy tờ nếu doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu.
Do đó, bà Trần Thu Quỳnh đề nghị các doanh nghiệp trước khi đặt hàng cần xác minh cẩn thận về doanh nghiệp đối tác. Doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán Canada ở Hà Nội, TP. Hồ Chí minh để xác minh tính chứng thực các văn bản, hồ sơ mà doanh nghiệp nước bạn gửi.
Tại Tây Ban Nha, ông Vũ Chiến Thắng – Tham tán thương mại, Thương vụ Tây Ban Nha cho hay, Thương vụ đã xử lý 7 vụ việc liên quan đến xuất khẩu điều, tiêu đen, gang đúc. Qua xem xét hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại, ông Thắng cho biết có một só rủi ro nổi lên.
Cụ thể, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vào Tây Ban Nha, tâm lý muốn bán ngay, nóng vội khiến việc đàm phán đưa ra những điều khoản không có lợi, "bị hớ" mà doanh nghiệp Việt không để ý; hay những cam kết lỏng lẻo trong hợp đồng mua bán khi xảy ra tranh chấp; hoặc những điều khoản chưa chặt chẽ trong phương thức thanh toán, % đặt cọc…
Một vấn đề nữa là xác minh đối tác về tư cách pháp nhân, người đại diện pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh thu qua các năm, uy tín làm ăn quốc tế…. Đây là những vấn đề doanh nghiệp Việt còn chưa quan tâm, là yếu tố rất dễ bị lừa đảo...
Ông Vũ Chiến Thắng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần lưu ý tránh rủi ro bằng việc chủ động phối hợp với Thương vụ trong xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng, nên yêu cầu đối tác cung cấp các thủ tục, giấy tờ có công chứng tại nước sở tại làm cơ sở ký kết hợp đồng đảm bảo chắc chắn. Bên cạnh đó, cần thảo luận kỹ lưỡng về các điều khoản, đặc biệt là phương thức thanh toán, nâng cao tỷ lệ đặt cọc lô hàng lên 35-40%. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng sở tại tư vấn các doanh nghiệp uy tín hoặc giúp xác minh năng lực, uy tín của doanh nghiệp sở tại.
Theo bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại, Thương vụ Italia, tình trạng lừa đảo xảy ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn, phương thức khác nhau tại Italia. Một số hình thức lừa đảo phổ biến như: Người mua lấy tên các doanh nghiệp uy tín để lừa nhập khẩu; gửi hình ảnh lệnh chuyển tiền giả mạo; có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam mua hàng của công ty Italia đã đặt cọc nhưng bên Italia không giao hàng; doanh nghiệp Italia không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng mua bán quá sơ sài dẫn đến đối tác không tuân thủ, thậm chí thông qua môi giới, chỉ ký hợp đồng với môi giới mà không ký hợp đồng với doanh nghiệp Italia...
Cũng lưu ý như các tham tán khác, bà Dương Phương Thảo cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm khâu xác minh và hợp đồng ngoại thương. Doanh nghiệp cùng cần tỉnh táo khi người bán chào giá quá thấp so với mặt bằng chung. Sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Italia cũng dừng hoạt động hoặc phá sản, do đó doanh nghiệp Việt cần thẩm tra xác minh đối tác kể cả đối tác cũ lâu năm.
Đối với hợp đồng mua bán, bà Thảo lưu ý không nên chung chung, sơ sài, doanh nghiệp có thể thuê công ty luật, chuyên gia có kinh nghiệm về thương mại quốc tế thảo khung hợp đồng chuẩn; nên yêu đặt cọc 20-30% tùy kết quả xác minh tín nhiệm của đối tác. Về môi giới, cần làm rõ trách nhiệm của môi giới trong xác định tín nhiệm người mua cũng như trách nhiệm đòi tiền. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế cho nhân lực...