Tránh tình trạng lạm quyền đưa tin sai sự thật về hàng hóa, sản phẩm

Nếu quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm sẽ có các chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhưng, khi lợi ích của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do người tiêu dùng lạm quyền, đưa tin sai sự thật thì sẽ phải xử phạt như thế nào? Đây là vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến trong phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chiều 10/11.

Theo các đại biểu, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, giữa người bán và người mua là người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thực tế, xảy ra không ít trường hợp, người tiêu dùng lạm quyền đánh giá đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Để hạn chế tình trạng này cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng, tránh tình trạng lạm quyền trong quan hệ tiêu dùng, nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung quy định mới về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin mình đưa ra.

Thực tiễn chứng minh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa không những là thước đo quan trọng khẳng định sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn là chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, việc người tiêu dùng lạm quyền hay đưa thông tin sai lệch lên báo chí, truyền thông chính là con đường ngắn nhất gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng trên thị trường.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tranh-tinh-trang-lam-quyen-dua-tin-sai-su-that-ve-hang-hoa-san-pham