Tránh tình trạng 'nhờn' luật!

Đề nghị bổ sung trong báo cáo đầy đủ hơn về thông tin, về danh mục các bộ, ngành, địa phương, đơn vị làm tốt để biểu dương và những đơn vị chưa tốt để nhắc nhở, nhất là những nơi ít tiếp công dân... Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã nhấn mạnh điều này tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Qua việc tiếp công dân sẽ giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của công dân. Từ đó, có những trả lời, phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi của công dân. Cùng với đó, giúp người đứng đầu thấy được những vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn...

Theo Luật Tiếp công dân, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong một tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong một tháng; Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tuần. Luật quy định là vậy, nhưng tình trạng tiếp công dân không đúng quy định của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn xảy ra trong năm 2024, tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều...

Trong báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Chính phủ cũng chỉ rõ, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa được phát huy hiệu quả, còn thiếu sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa trực tiếp tiếp công dân đủ số ngày theo quy định; chất lượng thực hiện nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ quan, đơn vị còn chưa cao, tiến độ còn chậm, chưa kịp thời.

Những tồn tại này không phải là mới. Cũng tại báo cáo về công tác này năm 2023, Chính phủ đã nhận định, “còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ; một số nơi người đứng đầu chưa quyết liệt, sát sao lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh...”. Điều đó, cho thấy tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa tuân thủ nghiêm quy định trong việc tiếp công dân theo luật định năm nào cũng xảy ra, nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu tích cực, chủ động tiếp công dân, thì ở đó số lượng khiếu nại, tố cáo sẽ giảm. Ở cấp xã nếu làm tốt công tác tiếp công dân, những “đốm lửa” bức xúc nhỏ được giải quyết tận gốc từ cơ sở thì sẽ không lan rộng thành những vụ việc phức tạp, kéo dài lên cấp huyện, cấp tỉnh, lên trung ương và ngược lại.

Tình trạng người đứng đầu không tiếp công dân theo đúng quy định không chỉ thể hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, mà sâu xa hơn dẫn đến tình trạng “nhờn” luật.

Câu hỏi đặt ra, luật đã quy định, dù đã được nói đến rất nhiều nhưng tình trạng này vẫn xảy ra? Người đứng đầu không tiếp dân thì làm sao hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm sao giải quyết được những bức xúc, bất cập đã và đang phát sinh từ thực tiễn trên địa bàn, lĩnh vực mình quản lý? Có phải chúng ta vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này?

Báo cáo của Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, vướng mắc và cả những nguyên nhân dẫn việc tiếp công dân chưa tuân thủ đúng quy định. Điều này là rất cần thiết, bởi chỉ khi thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại thì mới có những giải pháp để khắc phục. Nhưng điều này là chưa đủ, bởi trong báo cáo Chính phủ vẫn chưa chỉ ra cụ thể bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, địa phương nào chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân; chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nhất là để giải quyết những vụ việc, vấn đề nổi cộm, bức xúc. Chính “khoảng trống” địa chỉ này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số người đứng đầu không tuân thủ việc tiếp công dân theo quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng “nhờn” luật, ngoài việc nhận diện rõ thực trạng tiếp công dân, Chính phủ cần chỉ rõ địa chỉ, thông tin bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt trong công tác này. Đây là cơ sở để cử tri, Nhân dân giám sát, “chấm điểm” đối với người đứng đầu trong việc tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân cố tình không thực hiện tiếp công dân theo luật định.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tranh-tinh-trang-nhon-luat-post391645.html