Transit love là gì mà ai cũng nói tới khi Han So Hee yêu Ryu Jun Yeol
Chuyện tình ầm ĩ của Han So Hee và Ryu Jun Yeol khiến nhiều người Hàn Quốc nhắc đến cụm từ 'transit love' và đặt ra câu hỏi: Chia tay người cũ bao lâu thì được phép quen người mới?
"Đúng là chúng tôi đang ở trong một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, nhưng không có 'transit love' ở đây", nữ diễn viên Han So Hee viết trên trang cá nhân một ngày sau khi tin đồn hẹn hò giữa cô và nam diễn viên Ryu Jun Yeol gây bão mạng xã hội.
"Chúng tôi hẹn hò vào đầu năm 2024. Anh ấy đã chia tay người cũ vào đầu năm 2023, câu chuyện được báo chí công khai vào cuối năm đó". Han So Hee không trực tiếp nhắc tên, nhưng được cho đang nói đến bạn gái cũ của Ryu Jun Yeol là nữ ca sĩ kiêm diễn viên Hyeri. Ryu Jun Yeol và Hyeri công khai hẹn hò trong 7 năm, rất được ủng hộ sau khi cùng góp mặt trong bộ phim truyền hình đình đám Reply 1988.
Không lâu sau bài đăng của Han So Hee, Ryu Jun Yeol cũng thừa nhận tin hẹn hò thông qua công ty quản lý. Nam diễn viên cũng khẳng định không có chuyện mập mờ kiểu "transit love" như nhiều người đang đồn đoán, kêu gọi mọi người tôn trọng quyền riêng tư của mình.
"Transit love" là gì mà ai cũng chối
Dù liên tục bị người trong cuộc phủ nhận, "transit love" vẫn đang là từ khóa chính khi dân mạng Hàn Quốc nói về mối quan hệ của Han So Hee, Ryu Jun Yeol và Hyeri. "Transit love" là khái niệm bắt nguồn từ Hàn Quốc, trở nên phổ biến với một chương trình hẹn hò cùng tên.
Từ gốc tiếng Hàn là "hwan-seung yeon-ae", trong đó "hwan-seung" nghĩa là chuyển đổi, còn "yeon-ae" nghĩa là mối quan hệ lãng mạn. Giới trẻ Hàn Quốc thường dùng từ này để chỉ một người vừa mới chia tay người yêu cũ đã tìm hiểu, hẹn hò với người mới.
"Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu vừa chia tay thì người cũ đã có người yêu mới?". Câu hỏi có thể phần nào lý giải cách mà người Hàn hình thành ác cảm các mối quan hệ kiểu "transit love". Theo nhiều người, việc nhanh chóng hẹn hò trở lại cho thấy trước khi chia tay bạn đã "bước sẵn một chân ra khỏi mối quan hệ cũ".
Trong những trường hợp yêu lâu năm như Ryu Jun Yeol và Hyeri, "transit love" được cho có sức sát thương lớn hơn, nên bị phản ứng gay gắt hơn cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên câu chuyện của 3 ngôi sao Hàn Quốc tạo tranh cãi còn vì nhiều yếu tố khác (như các bài đăng của Han So Hee và Hyeri được cho ám chỉ, "đá xéo" nhau; thời điểm chia tay, hẹn hò không được công bố rõ ràng...).
Nhìn chung, người Hàn có cảm xúc mâu thuẫn với "transit love". Chương trình hẹn hò Transit Love hay EXchange là một trong những show gây tranh cãi nhưng cũng rất thành công tại xứ kim chi. Thay vì tập hợp những người độc thân quyến rũ không hề quen biết nhau như trong các chương trình khác, Transit Love sắp xếp những cặp đôi đã chia tay ở chung một nhà.
Tại Transit Love, các thí sinh trải qua sự giằng xe, đấu tranh phức tạp để quyết định xem họ muốn trở về bên tình cũ hay bước tiếp với một người mới. Trái tim mâu thuẫn của người chơi, những tình huống nghiệt ngã từ các mối quan hệ cũ và mới chính là yếu tố khiến Transit Love thành công trong 3 mùa liên tiếp.
Vậy chia tay bao lâu thì có thể yêu lại?
"Transit love" có thể là khái niệm của riêng người Hàn, nhưng câu hỏi chia tay bao lâu thì có thể yêu lại là vấn đề chung trong hẹn hò ở mọi nền văn hóa.
Trong tiếng Anh, cụm từ "rebound relationship" (tạm dịch: mối quan hệ phục hồi) được dùng để chỉ việc một người vừa chia tay thì tiếp tục "nhảy" vào mối quan hệ mới dù đôi khi mối tình mới không có sự gắn kết về mặt tình cảm, hay nói cách khác là dùng người sau để quên người trước.
Paulette Kouffman Sherman, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn Dating From the Inside Out, nói rằng thật khó để đưa ra con số chính xác. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân, cách chúng ta vượt qua mối quan hệ cũ, phục hồi và mở cửa trái tim trở lại.
Theo nghiên cứu năm 2013 của YouGov và trang web hẹn hò eHarmony, khoảng thời gian từ buổi hẹn hò đầu tiên đến khi nói lời yêu khác nhau giữa nam và nữ. Thời gian trung bình để đàn ông rơi vào lưới tình là 88 ngày, trong khi đó, những cảm xúc yêu đương đích thực đến với phụ nữ sau 134 ngày.
Hầu hết đều cần 1-2 tháng để xử lý một cuộc chia tay, đau buồn và rút ra bài học trước khi yêu trở lại nếu chúng ta từng có một mối quan hệ khá nghiêm túc. Nếu hẹn hò với ai đó từ một năm trở lên, bạn có thể cần từ 3-4 tháng. Mặt khác, bạn có thể cần ít thời gian hơn nếu mối quan hệ khá ngắn và chưa có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn một mốc thời gian cụ thể là trạng thái tinh thần của chúng ta. "Chỉ khi vượt qua mối tình cũ, bạn mới có thể cảm thấy trọn vẹn trong mối quan hệ tiếp theo", Sherman nói.
Chuyên gia khuyến khích mọi người hãy cho bản thân "quãng nghỉ". "Đừng nên lao ngay vào cuộc tình mới như một cách lấp đầy khoảng trống. Điều đó bất công cho cả bạn lẫn người mới", Sherman cho hay.
Tạm dừng hẹn hò sau khi chia tay không chỉ là để chữa lành vết thương, mà còn là để tìm ra những gì bạn đã học được và có thể áp dụng cho mối quan hệ tiếp theo, nhà tâm lý học Sanam Hafeez nói. "Sự kết thúc của các mối quan hệ dạy chúng ta rất nhiều điều về bản thân: phong cách giao tiếp của chúng ta, liệu phong cách đó có hiệu quả hay không, cách chúng ta xử lý những bất an, xung đột".
Tuy nhiên, theo Georgina Vass, nhà trị liệu tình dục và quan hệ ở Anh, những thay đổi tình cảm chóng vánh không hoàn toàn xấu, mà chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu thể chất và xúc cảm của con người.
"Các mối quan hệ phục hồi có tiếng xấu là không lành mạnh, nhưng nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại. Một trong những trụ cột của sức khỏe tinh thần là duy trì kết nối với những người khác, bởi vì con người phát triển mạnh khi họ có mối quan hệ thân mật", Vass nói.
Suy cho cùng, tình yêu không phải là một bộ môn khoa học, không có các mốc thời gian cụ thể để phân định đúng sai rạch ròi. Và mỗi người sống với một múi giờ riêng.
Một số người có thể cần vài tháng, thậm chí vài năm để phục hồi, nhưng cũng có những người sẵn sàng mở cửa trái tim chỉ sau vài tuần chia tay. Thời gian không phải là cách chúng ta cân đo đong đếm tình cảm hay phán xét người khác yêu nong hay sâu. Trong tình yêu, không có cái gọi là thời điểm hay thời gian lý tưởng cho tất cả, vì mọi thứ còn phụ thuộc vào từng cá nhân.