Trao cơ hội làm chủ cuộc đời nhờ đào tạo nghề cho người lao động nghèo

Bắc Giang chú trọng công tác hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và phương tiện sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để trao cho họ cơ hội làm chủ cuộc đời từ khó khăn.

Năm 2024, hộ gia đình anh Nông Văn Thuyết (37 tuổi), thôn Họa, xã Cấm Sơn , huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chính thức có tên trong danh sách "mới thoát nghèo". Trước đây, anh Thuyết không có nghề ổn định, thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu trước hụt sau.

Là hộ nghèo, anh được xét hỗ trợ 200 con gà giống. Được trao vật nuôi làm "cần câu", anh còn được cho đi học lớp nghề chăn nuôi để biết "cách câu cá", triển khai sinh kế đúng kỹ thuật, phương pháp. Nhờ vậy, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ sống rất cao.

Sinh kế này giúp gia đình anh không có có thu nhập để chăm lo con cái học hành, sức khỏe đầy đủ, hộ anh Thuyết còn có thêm vốn tích lũy. Được "tạo đà", anh tiếp tục vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư cải tạo vườn vải thiều, đặc sản quê hương và trồng thêm 200 gốc bưởi.

Anh Thuyết là trường hợp điển hình cho chủ trương của tỉnh Bắc Giang: trao cho người nghèo điều kiện để tự lực vươn lên thông qua chính sách "trao cần câu", "dạy cách câu" thay vì "chỉ trao xâu cá". Cũng giống như anh Thuyết, rất nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo nhờ được trao cơ hội làm chủ cuộc đời từ khó khăn.

Rất nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo nhờ được trao cơ hội làm chủ cuộc đời từ khó khăn.

Rất nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo nhờ được trao cơ hội làm chủ cuộc đời từ khó khăn.

Tại tỉnh Bắc Giang, cuối năm 2023 tỉnh còn hơn 12.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%; 16.200 hộ cận nghèo, tương đương 3,4%. Giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, trong đó chú trọng công tác hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và phương tiện sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Năm 2024, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang dành hơn 9,8 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Đến nay, 8 huyện trên toàn tỉnh đã khai giảng 80 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho gần 2.900 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; đạt gần 80% kế hoạch.

Người lao động được đào tạo các ngành, nghề như: Chăn nuôi, thú y, trồng trọt, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng.

Huyện Lục Ngạn nơi anh Thuyết sinh sống năm nay còn hơn 2.000 hộ nghèo và 2.600 hộ cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều là 8,19%. Huyện dành 2,5 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Đến nay, huyện đã hoàn thành 100% kế hoạch tuyển sinh, đào tạo với gần 700 người được qua các lớp đào tạo nghề. Ngoài lớp dạy nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng, huyện còn mở các lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y, trồng trọt, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại huyện Tân Yên, năm 2024 nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phân bổ gần 840 triệu đồng để phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Sáu lớp đào tạo nghề may công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cho 210 lao động được tổ chức cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại 8 xã, hoàn thành kế hoạch năm.

Với lớp nghề may công nghiệp, người lao động thuộc diện trên đây được đào tạo trong thời gian 3 tháng. Trong khi học viên lớp nghề sản xuất nông nghiệp, trong 2 tháng, người lao động được đào tạo cách nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm, trồng rau an toàn.

Đào tạo nghề cho lao động thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại huyện Tân Yên được gắn với giải quyết việc làm. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp các lớp tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cơ bản của nghề may công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, học viên được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương.

Các kiến thức có được từ các lớp trồng trọt, chăn nuôi được các học viên vận dụng hiệu quả tại gia đình, tăng hiệu quả kinh tế, không chỉ giải quyết việc làm mà còn tạo nguồn vốn chăm lo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản khác (như nhà ở, y tế, nước sạch...) và từng bước thoát nghèo.

Tại Yên Thế, nơi còn 876 hộ nghèo (tương đương 2,83%), nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên phân bổ hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 200 lao động (trong đó có 50 người thuộc hộ nghèo, 147 người thuộc hộ cận nghèo, 13 người thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn) tại 5 xã.

Trong 6 lớp được tổ chức, có 2 lớp dạy nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí và 4 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y, nuôi và phòng bệnh gia cầm. Huyện đặt mục tiêu trong tháng 10 hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân. Yên Thế quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,29%.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trao-co-hoi-lam-chu-cuoc-doi-nho-dao-tao-nghe-cho-nguoi-lao-dong-ngheo-2333576.html